(TNO) Chiều nay 27.3, Tòa dành thời gian tập trung xoay quanh những sai phạm tại dự án mua tàu Hoa Sen, trị giá hơn 1.300 tỉ đồng, gây thiệt hại 469 tỉ đồng.
>> Xét xử 9 bị can về tội cố ý làm trái tại Vinashin
>> Xét xử vụ án cố ý làm trái tại Vinashin
>> Vinashin được bán đất chưa sử dụng
>> Hai bị can trong vụ tiêu cực tại Vinashin bị khởi tố thêm tội tham ô
>> Tái cơ cấu nợ của Vinashin
|
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khi thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen, Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin và các thuộc cấp đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đóng mới tàu mà Vinashin lại đi mua tàu cũ.
Vinashin mua tàu trị giá hơn 60 triệu Euro nhưng lại không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh; Công ty tài chính Vinashin (VFC) đã phát hành bảo lãnh cho Công ty vận tải Viễn Dương Vinashin mua tàu mà không thực hiện quy định về trình tự, thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh cho khách hàng.
Giải thích về việc mua tàu cũ, bị cáo Phạm Thanh Bình nói: Năm 2007, trình độ của Vinashin chưa thể đóng được tàu như Hoa Sen. Trên thế giới, loại tàu này không nhiều, nên phải mua nhanh nếu không sẽ lỡ thời cơ. Khi mua tàu Hoa Sen là để thử nghiệm, nhằm khảo sát việc vận hành xem có ưu điểm, khuyết điểm gì, nhằm học thiết kế để có thể cải tiến, sau này tự thiết kế, đóng tàu kiểu như tàu Hoa Sen.
“Nếu thử nghiệm 1 tàu thì khi khai thác, hòa là may, chúng tôi tính toán là phải đầu tư 12 tàu chạy tuyến Bắc Nam, hoạt động trên 10 năm thì mới có hiệu quả”, bị cáo Bình nói.
Một vấn đề khác được mổ xẻ nhiều: Vinashin là chủ đầu tư dự án mua tàu Hoa Sen hay Công ty vận tải Viễn Dương Vinashin (đơn vị ký hợp đồng mua tàu) là chủ dự án.
Bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương Vinashin khẳng định: Tôi ký hợp đồng mua tàu nhưng tôi chỉ là cấp dưới, ở công ty con. Lãnh đạo công ty mẹ giao nhiệm vụ thì chúng tôi phải thực hiện.
Bị cáo Phạm Thanh Bình cũng thẳng thắn: “Chủ trương mua, người quyết định mua tàu Hoa Sen là tôi, ông Liêm chỉ là người thực thi nhiệm vụ”.
Bị cáo Trần Văn Liêm khẳng định thêm: “Việc mua tàu từ Ý về hoàn toàn không có thất thoát, việc thiệt hại về kinh tế chỉ là khi đi vào vận hành. Vì là thử nghiệm nên chắc chắn sẽ có nhiều phát sinh, nhiều vấn đề chưa tính toán hết, thêm vào đó, thời điểm cuối năm 2008, năm 2009 là thời kỳ vận tải đường biển suy thoái nghiêm trọng, nên con tàu để không cũng bị sụt giá chỉ còn một nửa, hầu hết các hãng vận tải biển đều bị lỗ”.
"Một điều đáng chú ý là tàu Hoa Sen khi đi vào vận hành được vài chuyến thì bị thủng vỏ, phải sửa chữa hết hơn 300.000 USD. Lỗi này thuộc về người mua tàu hay vì lỗi vận hành?", HĐXX chất vấn.
Bị cáo Phạm Thanh Bình nói: “Lỗi thủng vỏ tàu là lỗi tiềm ẩn, nên người đi mua tàu không thể phát hiện được. Chi phí sửa chữa phần thủng vỏ thì công ty bảo hiểm chắc chắn phải trả”.
Trong cáo trạng nêu rõ: Theo kết quả giám định của Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam, nguyên nhân thủng vỏ là do khuyết tật ẩn tỳ bên trong tấm tôn từ khi đóng tàu mà người sử dụng không phát hiện được, nhưng do việc đầu tư mua tàu Hoa Sen không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không có biên bản tổng nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quá trình kiểm tra chất lượng của tàu trước khi nhận bàn giao tàu không đảm bảo tính khách quan (thuê công ty môi giới bán tàu chỉ định công ty giám định).
Con tàu này cũng có nhiều bất cập như không có cửa mở ở mạn đề khách và xe lên xuống, mà chỉ có cửa mở ở đuôi tàu. Trong khi Việt Nam chưa có cảng phù hợp với tàu có cửa mở ở đuôi tàu, do đó Vinashin lại phải đầu tư, cải tiến cầu cảng để đón được tàu, mất hơn 100 tỉ đồng (sau đó được hạch toán gộp vào tổng mức đầu tư dự án là trên 1.300 tỉ đồng).
Thanh Phong
Bình luận (0)