'Mưa' tiền lẻ ném vào kiệu ấn đền Trần

20/02/2019 07:14 GMT+7

Chính quyền Nam Định đánh giá lễ khai ấn đền Trần (đêm 14 tháng giêng âm lịch) đã diễn ra thành công, việc hành lễ cũng được xem là 'trật tự hơn mọi năm'.

Nhưng theo ghi nhận của PV, tình trạng chen lấn, lộn xộn vẫn nghiêm trọng, đặc biệt có các hành vi phản cảm như ném tiền vào kiệu rước, cướp ấn...
[VIDEO] “Cơn mưa” tiền đầy phản cảm tại lễ hội Khai ấn đền Trần
Ngày xưa các cụ chẳng bao giờ ném tiền vào kiệu hay nhét tiền vào hậu cung cả.
Việc ném tiền, vốn là thứ trần tục, vào kiệu và hậu cung thì chẳng những không được lộc mà có khi lại rước tai họa
Giáo sư TRẦN LÂM BIỀN, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia
Đêm 18.2 (14 tháng giêng âm lịch), lễ khai ấn tại đền Trần (P.Lộc Vượng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Đinh) đã diễn ra với sự có mặt của hàng vạn người. Phần lớn người tham dự lễ hội phải đứng ngoài đường Trần Thừa, chỉ ai có giấy mời, thẻ đại biểu mới được vào trong khu di tích. Tại sân hành lễ chính, cũng chỉ có lãnh đạo tỉnh Nam Định, lãnh đạo bộ ngành và cán bộ địa phương được vào.
Khi kiệu ấn được rước từ đền Cố Trạch, nơi thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, một cơn “mưa tiền” được ném về phía kiệu ấn. Hành vi phản cảm này đã được ban tổ chức nhắc nhở trên loa, nhưng nhiều người vẫn nói rằng: “Vào được đây rồi phải ném tiền vào kiệu mới may mắn” và kiệu ấn đi qua đến đâu, tiền rơi xuống đến đó.
Sau đó, hàng trăm đại biểu ào vào trong đền, nhiều người cầm tiền xoa lư hương, chuông, tượng, bảo kiếm… Một số đại biểu nhét tiền vào trong cung cấm qua các khe cửa rồi xì xụp khấn vái, quang cảnh rất hỗn loạn.
Theo bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP.Nam Định - Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Trần, lễ hội đã diễn ra thành công. Bà Oanh nói rằng: “Việc ném tiền vào kiệu rước năm nay đã giảm rất nhiều so với những năm trước” và khẳng định: “Không có ai là người của thành phố làm việc đó mà chỉ có người ngoài”.
“Mưa” tiền lẻ ném vào kiệu ấn đền Trần
Tiền rơi trên lối vào đền

Ném tiền là “hối lộ” thần linh

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, bày tỏ: “Người ta ném tiền lẻ vào kiệu, xoa tiền lên vật thờ tự, nhét tiền qua khe cửa vào hậu cung, xoa tiền lên gươm hay vứt xuống lối rước kiệu thì không hiểu có tác dụng gì và cần phải gọi là mê tín hay mê muội”.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), chia sẻ: “Nếu nhìn từ góc độ văn hóa, hành vi… thì chẳng ai khẳng định những việc làm này có thể mang lại may mắn. Tới đây, khi họp rút kinh nghiệm ở đền Trần, chúng tôi sẽ mời các nhà quản lý để cùng nhau góp ý ban tổ chức cách làm. 3 năm nay, tôi thấy việc ném tiền vào kiệu là do dồn đại biểu khách mời vào khu vực gần với kiệu, nếu để họ cách xa thì chắc sẽ không có việc ném tiền vào kiệu. Mặt khác, cũng cần hạn chế mời quan khách vì chính họ không làm gương, hay là lắp thêm đèn sáng về phía quan khách, bổ sung thêm camera để ghi hình những trường hợp ném tiền, hoặc đẩy mạnh tuyên truyền trên loa, gắn biển để nhắc nhở”.
Tương tự, Giáo sư Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho biết: “Ngày xưa các cụ chẳng bao giờ ném tiền vào kiệu hay nhét tiền vào hậu cung cả. Việc ném tiền, vốn là thứ trần tục, vào kiệu và hậu cung thì chẳng những không được lộc mà có khi lại rước tai họa bởi cái kiệu hay hậu cung là của thánh, vốn trong sáng đẹp đẽ mà lại vứt đồng tiền của thế gian vào thì không khác gì “hối lộ” thần linh. Đó là việc làm thất đức, rước họa chứ không bao giờ hưởng phúc cả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.