‘Mùa tiểu học cuối cùng’: Chuyện kể con nít Sài Gòn những năm 60

09/01/2021 09:00 GMT+7

Nhà văn Lê Văn Nghĩa được biết đến với danh xưng “anh Hai làng trào phúng”. Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, ông đã trình làng hàng loạt các đầu sách viết về thời hoa niên, nhẹ nhàng và trong veo. Mùa tiểu học cuối cùng là tác phẩm mới ra mắt của ông.

69 tuổi, dù đã về hưu nhiều năm nhưng sức viết của nhà văn dường như vẫn chưa có điểm nghỉ. Sau rất nhiều tác phẩm dành cho thanh thiếu nhi như: Mùa hè năm Petrus (truyện dài, 2012); Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014); Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (truyện dài, 2018)…, lần này ông tiếp tục gửi đến bạn đọc nhỏ tuổi cuốn sách Mùa tiểu học cuối cùng do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Mùa tiểu học cuối cùng của Lê Văn Nghĩa giống như một cuốn phim tư liệu về tình bạn, tình thầy trò và cuộc sống của người Sài Gòn hồi năm 1967. Bằng những chất liệu sẵn có, là nhóm bạn cùng lớn lên trong xóm lao động nghèo, chuyện trẻ con ở trường tiểu học Bình Tây - nơi nhà văn từng theo học và những lời ăn tiếng nói ngày xưa, cuốn sách đã chạm đúng phần tuổi thơ của rất nhiều người - những mảng ký ức tưởng chừng đã bị khuất lấp bởi thời gian và thời cuộc.
Bạn ngồi xuống đây… nghe tui kể chút nè” - ông đã mời gọi bạn đọc đi cùng đi hết mùa tiểu học cuối bằng lời mời nhẹ nhàng và duyên dáng như vậy trong lời giới thiệu của trang bìa. Còn về phần khởi đầu, ông lại bắt đầu ngay bằng một câu nghi vấn tò mò mà tưng tửng “Không biết tại sao lớp nhứt Hai, trường tiểu học Bình Tây của tui lại có nhiều thằng cà tưng như thế? Trừ những thằng không có máu cà tưng thì những thằng bạn thân của tui đều có máu cà tưng trong người”. Và như thế, chuỗi dài câu chuyện về những người bạn cà tưng bắt đầu.
Tác giả đã khâu vá lại tất thảy những mảnh ghép thời gian của một Sài Gòn xưa qua góc nhìn tươi sáng, trong vắt mà cảm động của đứa trẻ. Từ lời kể của một bạn nhỏ lên mười để thấy Mùa tiểu học cuối cùng có đủ niềm vui, đủ háo hức, đủ tò mò, đủ các trò chơi láu cá và dư thừa sự đáng yêu của những đứa trẻ cùng lớn lên, hiếu học và biết thương yêu.
Bên cạnh thế mạnh là cây bút trào phúng khiến văn phong của cuốn sách luôn giữ nhịp hài hước, dí dỏm thì đặc quyền làm nên nét riêng của cuốn sách chính bởi vì nhà văn Lê Văn Nghĩa là người Sài Gòn chính hiệu. Không va đập, không trộn lẫn. Phải là một “ma xó” thứ thiệt, hiểu và thuộc lòng văn hóa của mảnh đất này ngày xưa thì mỗi câu từ, chi tiết nhắc đến, bạn đọc đều hình dung ra hồn cốt của một đô thị những năm 60.
Đó là những tờ báo Sài Gòn Mới, Thần Chung, Tin Sáng hay tuần báo tuổi thơ Bờm-Bê-Bốp; Chiếc xe Nha khoa học đường hay lời rao của ông Tàu nhổ răng dạo: “Thuốc lau dăng, nhức dăng, nhức dăng không lau đê… Ngọ nhổ dăng không lau, nhổ lau không lấy tiền đê”. Người đọc có cảm giác được nương nhờ vào từng kỷ niệm trong cuốn sách chính là thành công của tác giả qua việc phục chế lại từng không gian sinh hoạt văn hóa Sài Gòn xưa.
Lồng ghép trong từng câu chuyện về tình bạn, tình thầy trò thì cuốn sách còn mang cả dáng hình, tinh thần của con người Sài Gòn, hào sảng, nghĩa tình không lẫn vào đâu được. Và tinh thần đó toát lên ngay từ những đứa trẻ chuẩn bị kết thúc lớp nhứt Hai trường tiểu học Bình Tây. Bọn trẻ cà tưng “Thằng Chương tìm phép tàng hình như trong mấy tuồng Ấn Độ và thành công thật. Thằng Thu bỗng một ngày biến thành con Thu. Thằng Ty té cây chùm ruột và trở thành thiên tài toán học…” ấy vậy mà đã biết bảo vệ kẻ yếu, luôn giữ sự lạc quan và rất ít chấp nhặt. Tất cả được thể hiện qua chuyện kể đôi bạn cùng tiến, chuyện đánh nhau với thằng Mừng hay đi viếng thăm bà cụ bán bánh mì thịt nướng.
Dù đã giã từ tuổi nhỏ, giã từ mọi phá phách ngây thơ và bước vào thế giới của người trưởng thành với nhiều va đập hơn 50 năm, nhưng đọc Mùa tiểu học cuối cùng, chúng ta vẫn cảm tưởng rằng mọi thứ vừa đang diễn ra ngay chính lúc này, một cách rõ nét nhất. Mang tất cả niềm thương yêu và tự hào về một thời hoa niên trải lên trang sách, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã đưa mọi thế hệ bạn đọc bước vào chuyến du hành quay ngược về tuổi thơ, hiểu rõ thêm phần nào tính cách và văn hóa của Sài Gòn xưa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.