Quả trám chín vàng vẫn chưa thể đem kho thịt, cá ngay bởi nếu thế… chẳng biết lúc nào mới được ăn. Trám phải được om cho mềm trước đã.
>> Cơm độn của ký ức
>> Nem chua rán gọi ngày gió lạnh
“Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già”
Hai câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu khẽ ngân nga trong lòng tôi khi dọn mâm cơm chiều có đĩa cá kho trám thơm lừng. Mùa trám đang về xanh mướt khắp những vùng núi cao Bắc Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn… và cả ở vùng miền núi xứ Thanh này.
|
Trám xanh to chừng ngón chân cái người lớn, hình thoi xinh xinh với hai đầu thuôn nhọn. Khi chín, trái ngả sang màu vàng nhẹ, khẽ ửng lên trong nắng giữa những vạt lá biếc xanh. Trám có hai loại, trám xanh và trám đen. Đi chợ ở Hà Nội, tôi thấy những rổ trám đen thâm thẫm đã om chín được bày bán la liệt, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng một trái trám xanh nào. Quả trám đen, còn gọi là quả bùi dường như quen thuộc hơn cả nhờ vị thơm béo, mỡ màng tựa lòng đỏ trứng gà. Nhưng nếu thử lên vùng cao, ăn một bữa trám xanh kho cá hay thịt lợn bản, bạn sẽ thấy sự “thiên biến vạn hóa” kỳ diệu trong vị chua rôn rốt và chát nhẹ nhàng của quả trám xanh tưởng chừng bị “thất sủng” ấy.
Giữa rừng già, trám xanh lúc nào cũng xanh mướt một vùng với những cành vươn ngang như một chiếc ô tầng tầng lớp lớp. Cây cao vút, lá xanh quanh năm, mỗi dịp thu về lại treo lúc lỉu những chùm “đèn lồng” xanh ngắt. Cây cao khó hái, nên người ta thường đợi trám chín vàng tự rụng xuống đất thì nhặt về. “Trám bùi để rụng” thực ra chính là độ ngon nhất, hấp dẫn nhất của loại trái thấm đẫm hương rừng này.
Quả trám chín vàng vẫn chưa thể đem kho thịt, cá ngay bởi nếu thế… chẳng biết lúc nào mới được ăn. Trám phải được om cho mềm trước đã. Nước đun sôi già để nguội bớt chừng 90 độ, thả trám vào om chừng một tiếng. Khi trám đã mềm, có thể để nguyên quả hoặc tách đôi, bỏ hạt thành từng miếng cong cong như chiếc thuyền con. Lúc ấy đem chế biến món ăn kiểu gì, miếng trám cũng dễ thấm, dễ ngậy và đậm đà hơn. Trám xanh có sẵn vị chua rôn rốt, hợp vô cùng với những thức mỡ màng như thịt, cá. Vị chua lan ra, cái béo quyện vào được “nâng đỡ” thêm bởi bát cơm gạo mới dẻo thơm, bữa cơm mùa thu sao mà hợp cảnh, hợp tình đến thế!
|
Có lần theo người dân địa phương đi nhặt trám rụng, tôi đã được ăn trám một cách thật thú vị và đậm chất núi rừng. Trám chín hơi ngả sắc vàng, lau sạch rồi cứ thế chấm vào ống muối vừng, ăn cùng cơm gạo mới. Ôi chao, gió rừng lồng lộng, miếng trám giòn dìu dịu chua trong miệng, loáng thoáng hạt muối vừng bùi ngậy, vắt cơm trắng thoang thoảng hương đồng. Bữa ấy, tôi “say” cơm trắng với trám xanh. Hóa ra, món ăn đâu phải là thứ yếu, cách ăn nó nhiều khi còn quan trọng hơn một bậc.
Hồi còn bé, mỗi lần ăn trám xanh là tôi lại đặt bên cạnh một chiếc búa nhỏ và viên đá nhẵn. Ăn xong “thịt” quả, hạt trám tựa hình chiếc đèn lồng được đặt lên viên đá. “Chát”, búa gõ xuống làm hai mảnh “đèn lồng” vỡ đôi, lộ ra hạt nhân màu nâu nhạt. Nhân trám bùi bùi, thơm thơm, ăn ngon chẳng kém gì quả. Nhưng ăn được, thực tình cũng kỳ công lắm.
Tháng 8 âm lịch đang qua, “trám bùi để rụng” đã ươm vàng dưới gốc. Một mùa trám, một mùa thu là một mùa ngon, một mùa thương nhớ.
Tịnh Tâm (thực hiện)
Bình luận (0)