Mực nước sông Mekong tiếp tục thấp, miền Tây nguy cơ mất mùa nước nổi

Chí Nhân
Chí Nhân
23/07/2023 17:13 GMT+7

Các đập thủy điện tích nước, mưa ít khiến mực nước sông Mekong tiếp tục duy trì mức rất thấp. Điều này dẫn đến nguy cơ cao miền Tây năm nay mất mùa nước nổi, tác động lớn đến nguồn lợi thủy sản và nguồn nước phục vụ trồng trọt cũng như lượng phù sa, cát về đồng bằng.

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động thủy điện Mekong), lượng nước ít dẫn đến mực nước trên toàn tuyến sông Mekong đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm. Đoạn dọc biên giới Thái Lan và Lào thấp hơn bình thường khoảng 1m. Trong khi đó, trên nhiều trạm ở Campuchia giảm sâu đến 1,5m đặc biệt là "túi chứa nước" Biển Hồ thấp hơn khoảng 2m. Hiện tại, lượng nước về Biển Hồ rất nhỏ và không có dấu hiệu tăng vì phần lớn lưu vực sông Mekong đang trải qua giai đoạn khô hạn.

Mực nước sông Mekong tiếp tục thấp, miền Tây nguy cơ mất mùa nước nổi - Ảnh 1.

Không có mùa nước nổi, ĐBSCL sẽ đối mặt nhiều nguy cơ như thiếu phù sa, thiếu nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh

T.N

Một báo cáo tương tự cũng được Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) công bố. Theo đó, tổng lượng nước từ ngày 1.6 đến 20.7.2023 qua trạm Kratie đạt 31,94 tỉ mét khối. So với trung bình nhiều năm cùng kỳ ít hơn đến 19,29 tỉ mét khối. Mực nước thực đo ngày 20.7 tại Kratie là 13,15m, thấp hơn trung bình nhiều năm là 1,45m. Còn tại Biển Hồ, cùng ngày mực nước thực đo là 1,86m, thấp hơn trung bình nhiều năm đến 3,43m.

Ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, ngày 19.7, mực nước tại Tân Châu trên sông Tiền là 1,39m thấp hơn trung bình nhiều năm 0,5m. Còn tại Châu Đốc trên sông Hậu đạt 1,49m, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,47m.

Mực nước sông Mekong vẫn thấp, miền Tây nguy cơ mất mùa

SIWRP cho biết, theo dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), trong tuần tới, lượng mưa ngày trên lưu vực hạ lưu sông Mekong ở mức trung bình và có xu thế giảm, lượng mưa phổ biến từ 5 - 25mm, một số nơi trên khu vực thượng và trung Lào không mưa. Riêng vùng ĐBSCL lượng mưa phổ biến ở mức cao, từ 90 - 120 mm và có xu hướng giảm.

Theo các chuyên gia, mực nước sông Mekhong thấp là do tình trạng khô hạn vì hiện tượng El Nino và các đập thủy điện tích nước. Việc không có nước sẽ dẫn đến nguy cơ mất mùa nước nổi trong năm nay cũng như hạn mặn gay gắt trong mùa khô sắp tới ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cả nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt sẽ thiếu lượng phù sa và cát về ĐBSCL dẫn đến nhiều nguy cơ lớn khác như sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún mặt đất...

Trái với lượng nước và mực nước ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long thấp, đỉnh triều tháng 7 năm nay lại cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm và cao hơn đỉnh triều các năm 2022, 2021. Đỉnh triều cao nhất tại Gành Hào đạt 2,05m; so với đặc trưng cùng kỳ nhiều năm cao hơn tới 0,74m và cao hơn năm 2022 là 0,13m. Đỉnh triều cao sẽ gây ngập một số khu vực nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.