Theo đề án, ở khu vực nội thành có khoảng 1.950 ha đất nông nghiệp nằm phân tán, xen kẽ trong các khu dân cư đô thị; sẽ khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô để tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, giảm tiếng ồn và hiệu ứng nhà kính thông qua các mô hình trồng rau, hoa kiểng…
Những khu vực phía tây nam như Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thực hiện chuyển đổi đất lúa và đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả thành các vùng sản xuất rau màu, hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái.
Khu vực tây bắc gồm Củ Chi, Hóc Môn với diện tích đất nông nghiệp khoảng 33.378 ha sẽ trở thành đô thị nông nghiệp công nghệ cao, giữ vai trò quan trọng kết nối với các tỉnh vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ và Campuchia. Theo đó, sẽ chuyển đổi đất lúa thành các vùng sản xuất rau màu, hoa ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các vùng trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái tại các xã ven sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực giống gia súc, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt.
Khu vực TP.Thủ Đức sẽ khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị không gian hẹp, tầng cao, các công viên, vành đai cây xanh phân cáh, cây xanh phân tán. Bên cạnh đó nâng cấp chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thành chợ đầu mối nông sản hiện đại.
Đặc biệt, khu vực huyện Cần Giờ với diện tích đất nông nghiệp lớn nhất, trên 45.000 ha; được định hướng phát triển thành thành phố du lịch sinh thái. Tập trung phát triển các loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái. Đặc biệt phát triển các làng nghề gắn với sản phẩm OCOP như khô cá dứa Cần Giờ, yến sào Cần Giờ, xoài cát Cần Giờ…
Bình luận (0)