Mùi già miền Bắc… du xuân TP.HCM

26/01/2021 11:44 GMT+7

'Em chở bao dứa mùi già từ bến xe An Sương về nhà ở Q.Tân Bình mà thơm ngát cả dọc đường đi. Tay cầm bó mùi già cũng thấy mùi thơm vương mãi trên những đầu ngón tay', Thúy cười.

Đây là mùa xuân đầu tiên của Đào Thúy (24 tuổi, trú ở lầu 1, 340 Nguyễn Trọng Tuyển, P.2, Q.Tân Bình) ở giữa TP.HCM mà có những bó mùi già thơm ngan ngát để trong phòng. Hoa tươi có thể cắm trong bình như một loài hoa trang trí, nhưng Thúy thích treo cả bó lên trên tường. Hoa gặp nắng gió hanh hao cuối năm khô lại, nhưng mùi hương của nó vẫn không thể nào nhầm lẫn. “Nấu nước tắm hay để rửa mặt cũng đều cho cảm giác rất thư giãn, dễ chịu”, Thúy chia sẻ.

Tặng bạn bè hương xuân miền Bắc

Đào Thúy quê gốc ở Bắc Giang, khi cô 5 tuổi, cả gia đình vào TP.HCM lập nghiệp. Dù vậy, ông bà, họ hàng vẫn ở quê. Thúy rất nhớ những cái tết cả gia đình về quê, mọi người cùng đi chợ tết, gói bánh chưng, mua hàng tết, trong giỏ thì không thể thiếu bó mùi già.

Cây mùi khi già trổ hoa trắng li ti, thơm ngát

Ảnh Bảo Vy

Trong TP.HCM hay miền Nam thì cây mùi được gọi là rau ngò rí. Người TP.HCM thích cây ngò rí. Cùng với hành lá, nó trở thành gia vị nêm nếm không thể thiếu của mọi bữa ăn gia đình. Nhưng phong tục để cây mùi cho thật già ngoài ruộng, cây cao ngồng và trổ hoa trắng muốt li ti rồi mới nhổ cả rễ, buộc sợi lạt mang ra chợ bán trong những ngày gần tết thì chỉ thấy ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc.
Một sớm mai, trong hối hả của những buổi chợ cuối năm, bên những sạp hàng bán chuối, bưởi, cau trầu, hoa cúc, lá dong, người ta chẳng cần đến gần cũng biết một cô gái đang bán mùi già. Thật là lạ, mùi già thơm ngan ngát, mùi thơm của thảo mộc không nồng nàn, không gắt gỏng nhưng dịu dàng, cho người ta cảm giác dễ chịu.

Nhiều người trẻ TP.HCM thấy thích thú khi lần đầu được hít hà mùi thơm từ cây mùi già và nghe câu chuyện về phong tục tắm mùi già chiều 30 tết

Tối giao thừa, mâm cơm cúng tất niên xong xuôi, mẹ nấu một nồi nước mùi già để cả nhà cùng tắm. Sáng ngày mùng 1 tết cũng vậy, trong tiết trời lạnh cóng nhưng được rửa mặt rồi hít hà nước mùi già thơm ngan ngát, thấy cái tết sao mà tuyệt vời quá.
Mong muốn có thể tặng bạn bè của mình chút hương xuân miền Bắc, những ngày qua, Thúy đặt mùi già từ một người chị làm nông nghiệp sạch tại Phú Yên, sau đó chuyển bằng xe khách vào bến xe An Sương, TP.HCM. Tại Phú Yên, cô chủ đam mê với nông nghiệp hữu cơ đã để riêng một khoảnh vườn để mùi cho thật già, để dành cho những khách hàng mua rau của mình và nhớ phong vị tết của miền Bắc.

Thúy, cô gái gửi tặng mùi già - hương vị tết của miền Bắc cho các bạn trẻ

Ảnh Bảo Vy

“Vào tới miền Nam, cây mùi già vẫn tươi, thơm. Em chở bao dứa mùi già từ bến xe An Sương về nhà ở Q.Tân Bình mà thơm ngát cả dọc đường đi, bàn tay cầm mùi già cũng thơm mãi những đầu ngón tay. Bạn bè tới nhận mùi già thì thích lắm, người nào quê miền Bắc thì nhớ tết của tuổi thơ. Người nào trong TP.HCM thì hỏi tụi em cách chưng thế nào, rồi nấu nước tắm ra sao, họ có thể xin cho bạn bè thêm được không?”, Thúy cười.

Ở nơi ghét rác thải nhựa nhất!

Không chỉ là người nặng lòng với những nếp văn hóa truyền thống của người Việt trong ngày tết với mùi già, Đào Thúy còn là cô gái yêu lối sống bền vững, tốt cho môi trường.
Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM, đam mê kinh doanh, từ năm 2017, Thúy bắt đầu đi bán ống hút tre trong các phiên chợ của giới trẻ, cô cũng tự may túi vải, quai xách vải… để khuyến khích mọi người không dùng ống hút nhựa, thải ít nhất rác thải nhựa ra môi trường càng tốt. Khoảnh khắc để Thúy nhận ra con đường mình phải đi, đó là lúc xem video một con rùa biển bị ống hút nhựa cắm vào mắt. Đội cứu hộ đã phải rất nỗ lực kéo được chiếc ống hút ra trong khi mắt con vật bị chảy rất nhiều máu.

Trong cửa hàng không rác thải nhựa của Thúy mọi góc đều rất xinh xắn

Ảnh Bảo Vy

Từ người bán hàng nhỏ lẻ, cô tìm được những người bạn cùng sở thích, lối sống xanh, bền vững và mong muốn lan tỏa tới ngày càng nhiều người trẻ, họ kết nối với nhau thành cộng đồng. Từ năm 2018, Thúy và những người bạn cung cấp các mặt hàng như ống hút tre, túi xách vải… cho các cửa hàng sống xanh, cửa hàng refill (mang chai lọ, bình chứa tới mua hàng để không lấy túi nhựa) tại TP.HCM. Cuối năm 2018, Thúy và bạn Phạm Vũ Hưng - sau này cũng chính là chồng của cô - mở cửa hàng theo hướng sống xanh tại Q.Tân Bình. 
Không gian được trang trí xinh xắn với những kệ gỗ, bình thủy tinh chứa các loại trà hoa, nến thơm, xà phòng hữu cơ, túi vải, ống hút tre, bàn chải tre… và nhiều chậu cây như hương thảo, bách nhật… Ai tới mua cũng xách bằng túi vải, hoặc mang bình, hũ thủy tinh.

Ống hút tre, bàn chải tre

Ngày xưa bạn có bao giờ rửa chén bằng xơ mướp không?

Ảnh Bảo Vy

Thúy tin tưởng những điều tốt đẹp, tử tế sẽ còn lan tỏa nhiều hơn

Ảnh Bảo Vy

Những ngày gần tết này, Thúy và chồng bày trí hoa đào, mai, những hộp mứt tết truyền thống, khách tới mua đều không lấy túi ni lông. “Khách hàng chúng tôi đông đảo nhất là người trẻ, từ 18 tới 25 tuổi. Đó thật sự là tin vui. Tên cửa hàng của chúng tôi "A little bit" nghĩa là một chút. Mỗi người thay đổi tích cực hơn, dù chỉ một chút thôi, mỗi ngày, đều giúp môi trường tốt hơn”, Thúy nói.
Bó mùi già Thúy tặng người trẻ TP.HCM trong mùa xuân còn thơm mãi. Giống như điều cô và chồng mình luôn tin tưởng, những điều tốt đẹp, tử tế sẽ còn lan tỏa nhiều hơn nữa trong cuộc đời này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.