'Mùng 3 tết thầy' ngày nay ra sao?

24/01/2023 09:05 GMT+7

Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Mỗi dịp tết đến xuân về, nhớ ơn thầy cô nên dân gian nhắc nhau 'mùng 1 tết cha, mùng 3 tết thầy'.

Nhà tôi 3 đời giáo viên, trong đó đời thứ nhất có bà nội dạy bình dân học vụ năm 1945, còn đời thứ 3 có người dạy phổ thông, có người dạy đại học. Bởi vậy, về câu chuyện tết thầy, tôi không chỉ được chứng kiến mà bản thân còn trực tiếp đã và đang trải qua.

Tết thầy ngày xưa

Ngày xưa, vào mùng 3 tết, cha mẹ dẫn con đến thăm thầy giáo, vừa chúc sức khỏe thầy vừa biếu thầy một món quà giá trị vật chất ít nhưng chứa đựng trong đó một giá trị tinh thần to lớn. Đó là sự trân trọng, sự biết ơn của phụ huynh đối với người thầy, người đã dạy dỗ con em mình nên người.

Bố tôi là một thầy giáo trường làng. Tôi vẫn nhớ ngày tôi còn bé, vào dịp Tết Nguyên đán, những món quà mà bố tôi nhận được chỉ là vài quả cam, quyển sổ mỏng, cuốn sách. Nhưng tất cả những món quà nhỏ ấy đều được phụ huynh học sinh mang tặng bố tôi với tất cả sự trân trọng.

phụ huynh mặc dù lớn tuổi hơn bố tôi nhưng vẫn lễ phép gọi bố bằng “thầy”. Phụ huynh học sinh đến nhà thăm bố tôi đều chúc các chị em tôi ngoan và học giỏi chứ không hề có ai lì xì tiền nhưng chúng tôi không bao giờ buồn vì điều đó. Cả vùng quê làng biển ai cũng nghèo như nhau nên lấy đâu ra tiền mà lì xì.

"Mùng 3 tết thầy” vẫn còn nhiều ý nghĩa

nhật thịnh

“Mùng 3 tết thầy” ngày nay

Tuy nhiên, phong tục “mùng 3 tết thầy” ngày nay thì sao? Mọi chuyện đã khác xưa. Không phải thầy cô nào cũng muốn có phụ huynh đến nhà chúc tết. Nhiều thầy cô giáo ngại mang tiếng nên không muốn phụ huynh đến nhà, cương quyết không tiết lộ địa chỉ để khỏi phiền hà. Vì đã xảy ra chuyện có phụ huynh đến nhà tặng quà rồi sau đó ra ngoài nói rằng thầy cô đòi quà làm dư luận lại có chuyện để mổ xẻ, để lên án giáo viên thời nay.

Chuyện tế nhị không ai nói ra nhưng tôi tự hiểu nên chưa bao giờ đến nhà thầy cô giáo của con, có gói bánh hay hộp quà tết cũng tặng luôn ở trường cho thầy cô đỡ khó xử.

Duy trì nhiều phong tục tập quán tốt đẹp giúp trẻ cảm nhận được giá trị tinh thần Tết Nguyên đán

PHẠM QUANG VINH

Cuộc sống muôn vàn nỗi lo toan đã khiến cho ngày tết của tất cả mọi người là những ngày vô cùng bận rộn và mệt mỏi với đủ thứ công việc phải làm, thăm họ hàng nội ngoại, đồng nghiệp, hàng xóm. Nhiều phụ nữ thì lại bận rộn bếp núc nên cũng chẳng còn hơi sức đâu mà làm việc khác. Vậy nên nói đi thăm thầy cô giáo của con, nhiều phụ huynh thấy ngại.

Bao nhiêu năm đi học, tôi thân thiết nhất với thầy cô là hai vợ chồng giáo viên. Thầy dạy tôi hồi cấp 2 còn cô dạy tôi thời cấp 3. Những lúc tôi ốm đau nặng hay có chuyện hôn sự, sinh con, thầy cô đều đến thăm.

Bình thường cả thầy cô và tôi đều không có nhiều thời gian để gặp nhau nên tranh thủ tết, tôi đều chở con đến chơi. Chẳng cần nhiều quà cáp, có khi là hộp bánh, có lúc chỉ tay không nhưng lúc nào thầy trò cũng vui vẻ. Ra về, thế nào cô cũng lại gói cho ít bánh bột lọc cô tự làm. Cô còn cẩn thận hấp lại cho nóng để tôi đưa về cho mẹ và mấy đứa cháu ở nhà.

Thỉnh thoảng ở nhà thầy cô, tôi còn gặp lại những anh chị học khóa trên, cũng là học trò cũ của thầy cô. Cuộc trò chuyện của những thế hệ thầy trò vì vậy rôm rả, quên thời gian. Những lúc đó tôi mới thấy “mùng 3 tết thầy” vẫn còn có ý nghĩa lắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.