Mùng 5 tháng 5: 'Hết giãn cách xã hội, bớt dịch Covid-19 rồi con sẽ về'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
13/06/2021 14:49 GMT+7

Dịch Covid-19 , giãn cách xã hội khiến nhiều người không thể về quê. Mùng 5 tháng 5 lại về và nhiều bạn trẻ đành hẹn với gia đình một dịp khác.

Dù không được về quê đón Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) cùng với gia đình, nhưng với những người trẻ mưu sinh xa quê,  ngày đó luôn là một kỷ niệm đẹp và không bao giờ quên.

Sẽ về nhà sớm thôi

"Ổn không con, sức khỏe sao rồi?

Dạ. Con bình thường!

Mùng 5 tháng 5 ăn gì không, mẹ gửi lên

Xe khách cũng ngừng chạy rồi mẹ ơi. Đợi hết giãn cách xã hội, bớt dịch Covid-19 rồi con sẽ về..."

Đó là một đoạn thoại ngắn của mẹ hỏi thăm về tình hình sức khỏe của tôi trong những ngày TP.HCM giãn cách xã hội và mùng  5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ) cận kề. 

Năm nay  mùng 5 tháng 5 tôi không được về quê như mọi khi vì phải “ở chỗ nào, đứng yên nơi đó” để cùng mọi người phòng dịch Covid-19. Đường xá TP.HCM vắng hoe, lâu lâu lại nghe tiếng xe cấp cứu, mở điện thoại cập nhật liên tục ca nhiễm khiến tôi nhớ quê da diết. “Nếu giờ này ở quê chắc đang cùng ba mẹ với thằng em quay quần bên mâm cơm mùng 5 tháng 5 rồi”, tôi tự nói với chính mình.

Món bánh bá trạng với nguyên liệu 'sang chảnh' ăn Tết Đoan Ngọ của gia đình người Hoa

Ở miền Tây,  người dân xem mùng 5 tháng 5 cũng là một ngày tết thực sự, nhà nào nhà nấy quây quần bên nhau, ăn một bữa thịnh soạn để tổng kết những vất vả, khó khăn của những tháng “cày” vừa qua và ăn mừng vì gia đình mình luôn khỏe mạnh, bên nhau.

Người bán ngoài chợ những ngày này  không bao giờ “tắt” đi nụ cười vì nhiều người mua hàng

Ảnh: Duy Tường

Ngày đó,  mới hừng đông là mấy cô, mấy dì đã rảo bước đi chợ. Người mua gà, mua vịt về nấu cháo làm gỏi. Người thì mua miếng thịt heo về kho hay xào chung với hủ tiếu cùng  bịch trái cây đủ loại hoặc vài viên chè trôi nước… Còn mấy thím bán ngoài chợ thì những ngày này  không bao giờ “tắt” đi nụ cười vì được nhiều người mua hàng. Những hình ảnh mộc mạc, âm thanh nhộn nhịp vào ngày ấy không bao giờ tôi quên được.

7 giờ sáng, mẹ đi chợ về với tay xách nách mang đủ thứ đồ, tôi cùng thằng em ríu rít chạy đến tranh nhau phụ mẹ. Ba tôi thì đi quanh sau nhà hái mớ rau càng cua, diếp cá để chấm cùng mấy món kho.

Chợ quê rộn ràng trong dịp mùng 5 tháng 5

Ảnh: Duy Tường

Mặt trời lên cao, mâm cơm của mẹ cũng đã tươm tất và thơm lừng. Từng cơn gió biển luồng vào cánh cửa nhỏ xé tan những cơn nắng nóng, gia đình tôi quây quần với những tiếng cười giòn giã.

Mùng 5 tháng 5 cũng chỉ là vài món ăn ngon và diễn ra trong một ngày mà sao nó lại khiến tôi nhớ nhà đến thế? Đúng là dù đi đâu, khó khăn gì thì quê nhà vẫn là nơi để tìm lại niềm vui, luôn có những vòng tay chào đón mình. Giờ đây tôi tự nhủ phải lạc quan và suy nghĩ tích cực vì tin rằng dịch sẽ được kiểm soát và tôi sẽ về nhà sớm thôi.

Những mâm cơm giản dị vùng quê dịp mùng 5 tháng 5

Ảnh: Duy Tường

Đường về quê sao xa quá! 

Cậu bạn cùng trang lứa với tôi, Lữ Duy Tường, 24 tuổi, quê Bến Tre, hiện sống bên Q.7, TP.HCM phải chật vật với cuộc sống cơm áo, gạo tiền trong mùa dịch tiếp diễn này. Tường kể:  “Mẹgọi lên hỏi thăm tình hình và nhắc ngày mùng 5 tháng 5. Sợ mẹ lo nên tôi cũng chỉ nói “con ổn” và hứa hết dịch con sẽ về”.

Năm nay, Tường sẽ ăn Tết Đoan Ngọ ở TP.HCM cùng với những người bạn của mình. Đến giờ, chàng trai 24 tuổi vẫn không tin rằng lúc trước muốn về nhà là phóng xe cái vèo tầm 3 tiếng là tới, còn bây giờ thì… có muốn về cũng không được. Buồn để đó, rồi cũng qua nhanh vì Tường cũng tin rằng sẽ sớm về quê thôi.

Nhà rất gần nhưng nay sao xa quá...

Ảnh: Tấn Đạt

Tưởng kể: “Ở quê tôi vui lắm, cứ vào mùng 5 tháng 5 là cả xóm lại rộn ràng lên, chợ búa cũng nhộn nhịp hơn ngày thường. Trước đó một ngày thì nhà nào cũng ngâm gạo, ngâm nếp, hái lá, chuẩn bị cối xay để mà làm bánh, nấu chè rồi bắt vịt gà ngày mai nấu cỗ. Có nhà thì hấp bánh bò, bánh chuối, bánh ống, bánh lá rau mơ; có nhà thì đổ bánh xèo, nấu cari, nấu cháo,... Đi qua nhà ai cũng nghi ngút khói, thơm phức mùi đồ ăn và rộn rã tiếng cười nói” .

Nhiều tỉnh thành ở miền Tây xem mùng 5 tháng 5 là dịp để người con, người cháu trở về và cùng nhau ăn một bữa cơm thịnh soạn

“Sau lễ cúng xong thì hàng xóm chúng tôi cùng chia sẻ món ăn với nhau, nhà này có món này thì bưng qua cho nhà kia, mỗi thứ một ít, chủ yếu là tấm lòng và cái tình làng nghĩa xóm. Mấy anh em tôi lập gia đình gần đó, ngày này thì cả nhà về sum họp, quây quần bên nhà cha mẹ tổ chức lễ cúng rồi thưởng thức cùng nhau. Không khí ấm áp và hạnh phúc vô cùng, còn mùng 5 tháng 5 năm nay thì...”, Tường trải lòng.

Rồi sẽ quây quần nhau bên mâm cơm gia đình

Giống như Tường, không chỉ buồn mà chị Nguyễn Thị Thu Nhung, 36 tuổi, đang sống ở chung cư Marina Tower, TP.HCM còn thất vọng vì không về quê được. Chị Nhung cho biết: "Năm nay, mấy anh, em làm ăn xa có hứa sẽ cùng nhau về trong dịp ấy. Thế mà, tất cả mọi kế hoạch đều tan biến vì dịch Covid-19".

Trứng chiên, thịt khó đơn giản vùng quê nhưng chất chứa đầy tình cảm gia đình

Ảnh: Duy Tường

“Tôi buồn nhưng chắc ba mẹ dưới quê còn buồn nhiều hơn, năm nay không có đứa nào về ăn Tết Đoan Ngọ cả. Mong bớt dịch Covid-19 để được về quê thăm gia đình và được ăn món mẹ nấu”, chị Nhung nói.

Quê chị Nhung ở Tiền Giang, vào dịp mùng 5 tháng 5 gia đình chị cũng quây quần bên mâm cơm với nhiều món ăn, thịnh soạn hơn thường ngày. “Sẽ ổn mà, hết giãn cách xã hội, bớt dịch Covid-19 chúng tôi sẽ được về quê thôi. Rồi cũng làm một mâm cơm, quây quần bên nhau, sẽ vui như ngày mùng 5 tháng 5 thôi”, chị Nhung nói với ánh mắt đầy hy vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.