Mừng đấy, mà cũng rất lo...

16/05/2023 09:31 GMT+7

Khi SEA Games 32 ở Campuchia sắp hạ màn, có một điều khẳng định chắc chắn là một lần nữa, thể thao VN lại đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Hai năm liên tiếp ở hai kỳ SEA Games, đoàn thể thao VN đứng số 1 trên bảng tổng sắp huy chương.

Một tin vui cho thấy, dù mỗi kỳ SEA Games lại có thay đổi nào đó trong một nhóm nội dung thi đấu do nước chủ nhà đưa vào, chúng ta vẫn thích ứng kịp và đảm bảo các yêu cầu về thành tích. SEA Games 32 đã để lại rất nhiều hình ảnh đẹp, chiến thắng đi vào lịch sử, khiến chúng ta phải trân trọng và tự hào.

Mừng đấy, mà cũng rất lo... - Ảnh 1.

Ban huấn luyện đã lên kế hoạch để Nguyễn Huy Hoàng (giữa) đạt điểm rơi phong độ tại ASIAD 19 vào tháng 9

NGỌC DƯƠNG

Với 4 HCV tại đại hội, Nguyễn Thị Oanh đã nâng tổng số HCV ở các kỳ SEA Games của cô lên con số 12. Nhưng điều khiến tất cả cảm thấy ngưỡng mộ cô gái Bắc Giang chỉ cao 1,50 m và từng có giai đoạn bị viêm cầu thận này, chính là việc cô đoạt 2 HCV ở cự ly 1.500 m và sau đó 3.000 m vượt chướng ngại vật khi chỉ có một khoảng thời gian cực kỳ ngắn để xuất phát ở cự ly sau. Đó là chiếc HCV đầu tiên của golf VN ở đại hội thể thao Đông Nam Á, từ màn trình diễn tuyệt diệu của Lê Khánh Hưng, một cậu bé mới 15 tuổi. Chúng ta tự hào về thành tích của Nguyễn Thúy Hiền gần 14 tuổi, trên đường đua xanh. Dù đó chỉ là một tấm HCĐ nhưng với cô bé từ giờ đã được mệnh danh "Ánh Viên phiên bản 2.0", đó chính là sự khởi đầu đầy ấn tượng và hứa hẹn sự tỏa sáng trong tương lai.

Toàn cảnh SEA Games 32 ngày 15.5: ĐT nữ Việt Nam đi vào lịch sử | Thái Lan tăng tốc trên BXH

Tuy nhiên, cũng còn đó những nỗi âu lo. Từ những kết quả đạt được - chưa đạt được tại SEA Games 32, chúng ra rất cần những phân tích sâu hơn và rút kinh nghiệm cho những cuộc đấu lớn cấp châu lục và thế giới đang đến rất gần. Bởi đây là một kỳ SEA Games mà về số lượng, đoàn thể thao VN đã đảm bảo được vị trí số 1, nhưng về chất lượng cũng có nhiều điều cần phải bàn. Chúng ta lập không nhiều kỷ lục SEA Games (chỉ 7 kỷ lục, trong đó có kỷ lục của bơi và 5 kỷ lục của môn lặn) mà kỷ lục vốn luôn được coi là một chỉ dấu của sự tiến bộ.

Mừng đấy, mà cũng rất lo... - Ảnh 2.

Và một cách rất thẳng thắn, trong một bài báo, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (tên gọi cũ của Tổng cục TDTT), nguyên Trưởng đoàn thể thao VN ở nhiều kỳ SEA Games, đã cảnh báo rằng, tại SEA Games 32 - điền kinh và bơi, 2 môn thể thao trọng điểm của chúng ta cho ASIAD 19 vào tháng 9 tới đây, đã bị hụt chỉ tiêu HCV. Theo ông Minh, đó không phải là sự chuẩn bị tốt nhất cho ASIAD. Ở SEA Games này, dù có những kỳ tích của Nguyễn Thị Oanh thì sau 2 đại hội liên tiếp đứng đầu ở môn điền kinh, chúng ta buộc phải nhường lại ngôi số 1 cho Thái Lan về tổng số huy chương. Ông Minh đặt ra câu hỏi, "ai sẽ là mũi nhọn để có thể tranh chấp huy chương ở đấu trường châu lục?". Cũng theo ông Minh, về môn bơi, dù nhiều cá nhân như bộ ba Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo và Trần Hưng Nguyên đã hết sức cố gắng, nhưng thành tích của bơi VN ở SEA Games này chưa đạt chỉ tiêu đặt ra. Đó chính là vấn đề mà "các nhà quản lý, các nhà chuyên môn phải phân tích thấu đáo rồi tìm ra phương pháp và tạo điều kiện để có thể nâng cao, cải thiện thành tích ở đấu trường khu vực hay châu lục".

Việc đội U.22 VN không bảo vệ được HCV SEA Games, phải chăng là một hình ảnh mang tính biểu tượng của những điều còn chưa ổn. Phải chăng thể thao VN vẫn còn những bất cập mà có thể chưa giải quyết được ngay trong một tương lai gần. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.