Trong khi “nhà thơ vườn” ngẩn người, cố nặn ra câu bát thì cô chủ quán đã mau miệng: “Bốn mươi cây số cũng gần anh ơi”.
Lúc tiễn khách, chủ quán “dạy dỗ” thêm: Muốn ăn bánh tráng Hoài Ân/Lấy vợ Cầu Dợi cho gần đường đi. Chẳng là từ Cầu Dợi, TT.Bồng Sơn (H.Hoài Nhơn, Bình Định), lên Hoài Ân gần lắm.
Bánh tráng Hoài Ân nhiều loại dày mỏng, lớn nhỏ khác nhau: Bánh tráng mì, bánh tráng gạo, bánh tráng dừa, bánh tráng dừa nạo ngũ vị, bánh tráng mè... Loại nào cũng ngon nổi tiếng, khách vãng lai hay mua về làm quà khi có dịp ghé Hoài Ân. Trong đó phải kể đến bánh tráng mỏng tuyền gạo, dùng để cuốn cá, thịt, trứng, rau, chấm với nước mắm chua ngọt hoặc nước mắm nguyên chất.
Để có loại bánh tráng cuốn đạt… “level 2C” (chuẩn và chất) thì như trên đã nói, bánh phải được làm từ gạo 100%. Mà phải là gạo mùa thuần chủng, được gieo trồng trên đồng ruộng “thuần thổ” Hoài Ân. Thỏa những điều kiện đó thì mới có thứ gạo mà chỉ cần cắn vỡ vỏ thóc đã nghe thơm dìu dịu. Nếu vì thêm chút lợi nhuận mà pha mì thì… buồn lắm. Vì khi cuốn, miếng bánh cứ bám dính vào tay, rất khó “thao tác” để cuốn một cái cuốn cho gọn gàng, xinh xắn.
Một điều quan trọng khác là độ mỏng và độ dẻo của miếng bánh. Bánh mỏng quá, vừa cuốn xong, mới cắn miếng đầu tiên thì vỏ bị nứt, lộ ra phần ruột. Cái cuốn mất... thẩm mỹ, ăn cũng mất ngon. Đi ăn với người yêu mà gặp tình huống này thì bối rối thật.
Còn độ dẻo cũng phải thật tinh tế. Dẻo vừa thôi. Quá một chút thành dai. Ăn mà phải… vận dụng “công lực” để cắn, rứt, nghiền thì phiền quá! Vậy thì khâu xay bột, pha chế, canh lửa, cán bánh như thế nào để độ mỏng và độ dẻo đạt chuẩn? Đây là “bí kíp” của những nghệ nhân tráng bánh. Tò mò hỏi miết, rất có thể bạn gặp câu trả lời không mong đợi: Quân tử hỏi chi cho phiền/Cứ ăn bánh rồi trả tiền cho xong.
Bữa thăm nhà nhỏ bạn, mới chuyện trò vài câu bạn đã “mày ngồi đó đọc sách, tao xuống bếp kiếm gì mình cuốn chút nghen”. Vừa đảo mắt vài trang đã nghe mùi trứng chiên thơm lựng từ bếp bay lên.
Lúc bày biện món ăn, nhỏ cười cười, ngày Valentine, “tình yêu” tới không lẽ cơm với cá? Đổi món nhé! Gần đây tao làm siêng vào bếp vì được nghỉ “cô rô na”. Mình ăn ở nhà cho lành.
Đĩa thịt ba chỉ và trứng xắt sợi vừa ngó đã muốn xáp vô. Chén mắm ớt đỏ tươi mời gọi. Còn đĩa rau sống “nịnh mắt” bằng vẻ mơn mởn điểm những lát xoài xanh trắng. Cuốn cuốn, chấm chấm, hai đứa làm thinh, “chăm chỉ” ăn như… đói từ vạn kiếp! Phái đẹp mà ăn kiểu đó hay bị chê là thiếu ý tứ. Nhưng hai nàng này là vậy, cứ cái nết… ăn hết mình để cảm nhận cho rõ các “điệu” thơm.
Có câu thơ rằng: “Ai đem phân chất một mùi hương”. Đó là hương của tình. Còn hương ẩm thực thì phải “phân chất”, phải “nghe” từng thứ một để thấy ngon thêm chứ. Này nhé! Bánh tráng phảng phất thơm mùi gạo mới đồng làng.
Lòng đỏ trong trứng chiên như thêm “duyên” khi ôm ấp chút hành lá nên thơm quấn quýt. Thịt ba chỉ mềm mại, loang trên mặt lưỡi cứ thơm quẩn thơm quanh. Rau sống thơm mộc mà vương vấn lắm. Chén mắm ớt chuẩn đến độ biết “điều tiết” để chấm miếng nào là đậm đà, mặn mà miếng đó.
Ăn xong, hai đứa xoa bụng cười giòn, nhất trí rằng ai “cuốn theo chiều gió” thì cứ cuốn. Còn tụi mình cứ cuốn theo… bánh tráng Hoài Ân là OK.
Bình luận (0)