Mượn chuyện cũ nói chuyện mới
12/11/2018 16:45 GMT+7
Trong những ngày này, nhiều nước châu Âu tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến 1 và mỗi quốc gia tự rút ra cho mình những bài học cần thiết từ sự kiện lịch sử này.
Tự động phát
Tất cả đều mượn chuyện cũ để đề cập hiện tại và tương lai của châu lục.
Châu Âu hiện đâu đã có được hòa bình, an ninh và ổn định rộng khắp. Không đắm chìm trong chiến tranh nhưng xung đột vũ trang vẫn tồn tại, xung khắc bạo lực vẫn xảy ra, thù địch và đối đầu vẫn dai dẳng ở không ít khu vực. Chuyện quá khứ vì thế nhắc nhở thế hệ hiện tại là chiến tranh vẫn có thể dễ dàng bùng phát trên châu lục và vẫn có thể gây ra những hậu quả tai hại như thế nào.
Kỷ niệm sự kiện xưa để thấy được giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của những thành tựu phát triển mà các nước châu Âu đã đạt được từ sau 2 cuộc chiến tranh thông qua hợp tác và liên kết, nhưng cũng để thấy yêu cầu giải cứu EU khỏi tình trạng rạn nứt nội bộ, trì trệ và xơ cứng cấp thiết như thế nào.
Châu Âu hiện không đối diện những thách thức như cách đây 100 năm nhưng đang lúng túng về câu trả lời cho tương lai chung. Các nước trên châu lục có hiểu đúng và giống nhau về quá khứ thì mới có thể có cùng cái nhìn về tương lai. Chuyện xưa được dùng để nhắc nhở về trách nhiệm, khích lệ đóng góp và để tránh quá khứ trở lại.
Bình luận (0)