Mượn đường dân sinh... để 'giải cứu' dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Bắc Bình
Bắc Bình
14/04/2019 07:41 GMT+7

Chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang khảo sát các tuyến đường bộ, đường thủy có thể mượn tạm để vận chuyển thuận lợi vật liệu vào các công trình.

Ngày 13.4, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), khẳng định đó là một trong những giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã “chết lâm sàng” này.
Theo ông Hồng, để đảm bảo nguồn vật liệu tất cả các gói thầu có thể thi công đồng loạt, khẩn trương từ tháng 5, đơn vị chủ đầu tư - Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang khảo sát các tuyến đường bộ, đường thủy có thể mượn tạm để vận chuyển thuận lợi vật liệu vào các công trình.
Để hỗ trợ kịp thời các nhà thầu do đang thi công cầm chừng hoặc ngừng hẳn thi công do thiếu vốn, chủ đầu tư phối hợp với đơn vị chủ quản của mình là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ tài chính các nhà thầu thông qua bảo lãnh bằng tín chấp và hạn mức ngắn hạn đã có để cung cấp vật liệu và vật tư cơ bản giải quyết khó khăn trước mắt.
“Chúng tôi đang chờ phía nhà nước thực hiện cam kết sẽ hỗ trợ trước cho dự án 500 trong số 2.158 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2016 - 2020 để giải quyết một số khó khăn trước mắt. Nếu được hỗ trợ kịp thời, chúng tôi cam kết đến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành khoảng 55% khối lượng dự án. Đến cuối năm 2020 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến của dự án này như cam kết với Chính phủ”, ông Hồng nói và cũng thừa nhận còn một số khó khăn, chậm chạp về thủ tục hành chính với đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mới là UBND tỉnh Tiền Giang. Nguyên nhân là đang trong quá trình cơ quan này nhận chuyển giao từ Bộ GTVT.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 51,1 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (H.Cái Bè). Dự án được khởi công lần đầu vào ngày 29.11.2009 nhưng không được thi công. Đến ngày 7.2.2015 mới tái khởi công lần 2 nhưng tiến độ cũng rất chậm chạp. Tháng 6.2017, Bộ GTVT có quyết định điều chỉnh dự án với tổng vốn 9.668 tỉ đồng. Cuối năm 2018, phía các ngân hàng dừng giải ngân cho dự án do một số lãnh đạo Công ty TNHH Yên Khánh (là 1 trong 6 công ty trong liên doanh nhà đầu tư với vốn góp 30% cho tổng dự án) có liên quan đến vụ án hình sự. Công ty Yên Khánh đã được thay thế và đang trong giai đoạn bàn giao.
Đến nay, dù nguồn vốn đã đầu tư vào dự án gần 2.000 tỉ đồng nhưng khối lượng công trình chỉ đạt 15%, đa số các khu vực thi công của 25 gói thầu trong tình trạng “bỏ hoang” do thiếu vốn. Hiện tỉnh Tiền Giang đã giải phóng mặt bằng đạt hơn 96% đã bàn giao cho chủ đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.