Muốn học ngành yêu thích nhưng điểm chuẩn quá cao, phải làm sao?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/04/2023 08:30 GMT+7

Trước tình huống thí sinh thắc mắc về việc muốn học một ngành mình yêu thích nhưng ngành đó lấy điểm chuẩn quá cao, các chuyên gia đã 'bật mí' cách để có cơ hội trúng tuyển.

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: "Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký xét tuyển" của Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua (18.4), nhiều tình huống chọn ngành đã được chuyên gia đến từ các trường ĐH phân tích và đưa ra lời khuyên bổ ích cho thí sinh.

Muốn học ngành yêu thích nhưng điểm chuẩn quá cao thì phải làm sao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Tiền Giang

N.T

Theo dõi chương trình, Dương Minh Hải, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, TP.HCM, đặt câu hỏi: "Em yêu thích một ngành nhưng ngành đó lại không phải là xu hướng thì em có gặp khó khăn gì sau này khi đi xin việc không? Ngành em muốn học là quản lý tài nguyên và môi trường. Ngành này có phải là ít người học nên dễ trúng tuyển?".

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thừa nhận hiện nay có một thực tế là nhiều ngành nghề được thí sinh yêu thích nhưng lại chưa được sôi động và "hot" như một số ngành khác. Hoặc ngành thí sinh yêu thích lại có điểm chuẩn quá cao. Vậy thí sinh phải làm sao?

"Khi chọn ngành, nếu các em cân bằng được 3 yếu tố này thì việc theo học ở trường ĐH rất thuận lợi và sau khi tốt nghiệp cũng rất dễ thành công. Đó là ngành các em có yêu thích không, các em có khả năng và tố chất phù hợp hay không, cuối cùng là nhu cầu nhân lực của xã hội đối với ngành đó như thế nào", tiến sĩ Hải nêu.

Trong trường hợp ngành học thí sinh yêu thích nhưng lại không phải là ngành "hot", tiến sĩ Hải cho rằng tốt nghiệp có việc làm hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực trong quá trình học ĐH.

"Chẳng hạn, ngành quản lý tài nguyên môi trường được xem là ngành không 'hot', không phải là xu hướng như các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo hay marketing... Tuy nhiên, do không quá 'hot' nên tỷ lệ chọi thấp và cơ hội trúng tuyển rất cao. Dù nhu cầu nhân lực không nhiều bằng một số ngành khác, nhưng do chỉ tiêu hàng năm thấp nên khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm của các em vẫn không thua gì các ngành 'hot' khác. Điều quan trọng là các em có sự yêu thích, đam mê và trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng khi theo học, thì không bao giờ lo thất nghiệp", tiến sĩ Hải nhận định.

Đối với tình huống ngành học yêu thích nhưng lấy điểm chuẩn quá cao thì làm sao để trúng tuyển, tiến sĩ Hải cũng có lời khuyên thiết thực. "Hiện nay các em được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn, chưa kể được điều chỉnh nguyện vọng nên có rất nhiều cơ hội để trúng tuyển. Nếu ngành học thí sinh yêu thích có điểm chuẩn quá cao, thì các em có thể đăng ký cùng ngành học đó tại nhiều trường ĐH khác vì hiện nay một ngành học có rất nhiều trường đào tạo với nhiều mức điểm trúng tuyển khác nhau. Khi đó, chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển vào một trường có điểm trúng tuyển phù hợp với mức điểm mà các em có", tiến sĩ Hải phân tích.

Trường hợp thí sinh quá yêu thích trường ĐH có mức điểm chuẩn cao đó, theo tiến sĩ Hải, các em có thể lựa chọn một ngành học gần, trong cùng lĩnh vực và có mức điểm chuẩn thấp hơn, căn cứ vào các năm gần đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.