Chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường ĐH có giải đáp cặn kẽ vấn đề này trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Ngành nào đang "hot" trong năm nay?", diễn ra hôm qua (11.4) tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.
THẾ NÀO LÀ NGÀNH "HOT"?
Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết thời gian qua dịch bệnh và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tác động đến sự phát triển các ngành nghề. Theo đó, trong thời điểm dịch bệnh, những ngành được nhiều người quan tâm liên quan đến khoa học sức khỏe, vận tải hàng hóa, thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng... Ở thời điểm hiện nay, khi công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT bùng nổ thì ngành nghề liên quan đến AI lại được nhắc nhiều. Nhưng theo tiến sĩ Thúc Viên, trong một xã hội các ngành nghề cơ bản được ổn định và có những ngành phát triển mới từ những thay đổi, tác động bên ngoài. Nhưng ngành nghề nào cũng đòi hỏi người học sau khi ra trường có năng lực nhất định để làm việc.
Cũng theo ông Viên, việc đánh giá độ "hot" một ngành nghề còn cần đối chiếu với nhu cầu việc làm thực tế của thị trường lao động. Từ một số liệu thống kê, tiến sĩ Viên cho biết một số ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao ngay sau khi ra trường như: dịch vụ vận tải 89%, nghệ thuật 88%, thú y 85%. Một số ngành tỷ lệ ở mức trung bình khá 75-85% như: kiến trúc xây dựng, toán thống kê… Nhóm khác dưới 75% như khoa học sự sống, luật, khoa học xã hội.
"Chúng ta có thể thấy rằng giữa ngành thí sinh (TS) có xu hướng đăng ký nhiều với nhóm ngành sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm cao đang có sự chênh lệch nhất định. Do đó, vấn đề đặt ra với TS khi lựa chọn ngành nghề còn là nhu cầu của thị trường lao động với ngành nghề đó và cơ hội tìm được việc làm của bản thân khi ra trường", tiến sĩ Viên khuyên.
Từ góc nhìn cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận: "Ngành "hot" có thể hiểu nôm na là những ngành ra trường nhu cầu tuyển dụng cao, cơ hội việc làm tốt và thu nhập cao. Từ số liệu dự báo nhu cầu nhân lực mới cho thấy nhu cầu thị trường lao động tương lai trải dài ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề khác nhau".
Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phân tích: "Dự báo từ nay đến 2030, các ngành nghề sẽ phát triển mạnh tại VN như: công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo, dịch vụ kinh doanh khách sạn, du lịch, tài chính ngân hàng, giáo dục… Trong đó, công nghệ phát triển tiềm năng nông nghiệp VN ở thời điểm này có thể chưa phát triển mạnh nhưng 4 năm sau có thể sẽ "hot"".
Về lời khuyên tới TS khi lựa chọn ngành, tiến sĩ Thanh Phương nói: "Các ngành đang được đào tạo ở các trường ĐH hiện nay đều là những ngành xã hội đang có nhu cầu, nhưng tùy theo nhu cầu người học mà ngành có số lượng sinh viên nhiều và ngược lại. Nhưng dù ngành nào, sinh viên học giỏi ra trường có kỹ năng kiến thức cũng đều trở nên "hot"".
XÉT TUYỂN THÔNG MINH
Theo thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, với những ngành nhiều TS đăng ký xét tuyển, chắc chắn có sự cạnh tranh cao giữa các TS và điểm chuẩn cũng cao hơn. Ông Phương cho rằng: "Đối diện với 1 ngành "hot", TS cần thận trọng khi đăng ký xét tuyển. Thận trọng ở đây không có nghĩa là co mình lại mà cần có những chiến thuật xét tuyển thông minh để tăng cơ hội trúng tuyển".
Những ngành điểm chuẩn cao nhất năm 2022
Hàn Quốc học, Đông phương học và quan hệ công chúng của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là 3 ngành lấy điểm chuẩn cao nhất năm 2022, ở mức 29,95 điểm khối C00.
Ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng lấy tới 29,9 điểm; Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 28,25. Ngành truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và tuyên truyền có điểm chuẩn 29,25 theo tổ hợp C15 (toán, văn, khoa học xã hội).
Ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao và sư phạm lịch sử chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) điểm chuẩn cũng ở mức 39,92 (tính theo thang điểm 40). Sư phạm lịch sử và sư phạm ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 lần lượt là 38,67 và 37,17 điểm.
Ngành luật kinh tế của ĐH Luật Hà Nội cũng lấy tới 29,5 điểm với tổ hợp C00.
Ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn 29,15. Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) có 2 ngành điểm chuẩn từ 28 gồm: trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật phần mềm. Chương trình tiên tiến khoa học máy tính Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có điểm chuẩn 28,2.
Phân tích thêm về chiến thuật này, thạc sĩ Phương cho rằng trước hết TS cần nắm vững quy chế tuyển sinh. Khi các trường cho phép sử dụng cùng lúc nhiều phương thức xét tuyển, TS cần tận dụng hết các phương thức cho một ngành của một trường hoặc ở nhiều trường khác nhau. TS cũng có thể tìm cho mình những phương thức xét tuyển phù hợp nhất như: xét dựa vào điểm kỳ thi riêng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ…
"Ngoài ra, bên cạnh những ngành "hot", TS có thể cân nhắc lựa chọn những ngành gần trong cùng lĩnh vực đào tạo", thạc sĩ Phương khuyên thêm.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên cũng cho rằng: "Các bạn cần thông minh trong xét tuyển để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành nghề yêu thích. Khi mong muốn vào một ngành của một trường các bạn nên tận dụng tất cả các phương thức".
Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nói thêm: "TS nên chọn nhiều phương thức hơn là dè dặt hoặc chọn số ít nguyện vọng. Ngay trong tháng 4 này TS nên quan tâm tới phương thức xét học bạ hoặc các phương thức xét tuyển sớm khác".
Bình luận (0)