Muôn kiểu giảm cân: Bác sĩ chỉ ra những sai lầm thường gặp

Lê Cầm
Lê Cầm
22/06/2023 04:11 GMT+7

Nhiều người lên kế hoạch giảm cân, tuy nhiên chỉ sau vài ngày lại bỏ cuộc vì quá mệt mỏi do nhịn ăn, số khác tăng cân nhiều hơn sau khi cố ép bản thân theo chế độ ăn kiêng, thậm chí có người nhập viện cấp cứu, 'tiền mất tật mang' do uống thuốc giảm cân mua trên mạng.

Mất nước, suy gan, thận do uống thuốc giảm cân trôi nổi

Mong muốn giảm cân để có thân hình đẹp chị N.T.T.Y, 38 tuổi, ở Nhơn Trạch, Đồng Nai, được mách một loại trà giảm cân hiệu quả, chị lên mạng tìm mua thuốc giảm cân để uống.

Sau khi uống một hộp đầu, chị Y. giảm được gần 4 kg nhưng thấy mệt mỏi, ăn uống ít hơn, cảm giác lạnh hai chân. Hàng xóm của chị cũng gặp phải tình trạng tương tự nên ngưng thuốc. Tuy nhiên chị Y. muốn giảm cân thêm nên tiếp tục uống, sau khi uống khoảng hơn 2 hộp thì giảm được 7 kg. Qua hộp thứ 3, chị thấy kết quả chậm hơn, cơ thể mệt mỏi nên ngưng thuốc.

Sau ngưng thuốc giảm cân khoảng nửa tháng chị bị đau bụng, nôn ói. Ra tiệm thuốc mua thuốc dạ dày để uống nhưng không hiệu quả, nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) trong tình trạng mệt mỏi, suy kiệt, bác sĩ chẩn đoán viêm tuỵ cấp mức độ trung bình nặng, tăng triglycerid trong máu cao gấp 100 lần bình thường.

Muôn kiểu giảm cân: Vì sao giảm cân thất bại, bác sĩ chỉ  sai lầm thường gặp - Ảnh 2.

Mẫu máu của bệnh nhân thành hai lớp mỡ và máu sau thời gian uống thuốc giảm cân

BSCC

Th.S-BS Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Tiết chế, Bệnh viện FV, cho biết chìa khóa của giảm cân khoa học bao gồm 2 yếu tố chính là dinh dưỡng cân bằng và tập luyện đúng cách. Việc sử dụng thuốc giảm cân phải có chỉ định tùy trường hợp và tất nhiên là những loại thuốc được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận.

"Việc sử dụng các loại thuốc giảm cân trôi nổi, không có nguồn gốc, không được cấp phép thường sẽ gây giảm cân dựa trên cơ chế làm cho bệnh nhân mất nước, tiêu chảy, nôn ói, mất dinh dưỡng vi chất... Những triệu chứng này khiến người sử dụng sụt cân nhưng đó là bị mất nước, mất cơ chứ không phải lấy đi mỡ. Những loại thuốc này thường gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng gan thận, gây rối loạn điện giải", BS Thư chia sẻ.

Thậm chí, theo BS Thư có những bệnh nhân đến thẩm mỹ viện để giảm béo, sau khi về nhà được cho xài thuốc giảm cân không có nguồn gốc. Thuốc đưa vào một bịch không có bao bì tem mác, tiềm ẩn nhiều nguy hại đến gan thận, ảnh hưởng sức khỏe.

Cắt giảm tinh bột hoàn toàn

BS dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết cắt bỏ tinh bột hoàn toàn để giảm cân là sai lầm. Khi áp dụng cắt giảm tinh bột để giảm cân, điều cần thiết phải hiểu rằng chế độ ăn ít carbohydrate hơn không phải là chế độ ăn không có carbohydrate.

Một số tinh bột thích hợp và tốt khi giảm cân như gạo lứt, mì ý dạng ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám sẽ tốt cho quá trình giảm cân bởi vì chúng có nhiều chất xơ, chỉ số đường huyết thấp giúp ổn định glucose máu và giàu vitamin nhóm B tốt cho hệ thần kinh.

"Nhiều người có thói quen ăn cơm vào ban ngày nhưng hoàn toàn không ăn tinh bột vào buổi tối vì sợ tăng cân, điều này là thiếu chính xác. Trên thực tế, các bữa ăn tối không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, việc nạp tinh bột vào buổi tối với lượng vừa đủ cũng rất có ích với những trường hợp có nguy cơ hạ đường huyết ban đêm", BS Hà phân tích.

Muôn kiểu giảm cân: Vì sao giảm cân thất bại, bác sĩ chỉ  sai lầm thường gặp - Ảnh 2.

Cắt giảm tinh bột hoàn toàn để giảm cân là sai lầm

SHUTTERSTOCK

Tuy nhiên, buổi tối thường là thời gian nghỉ ngơi, ít hoạt động thể lực nên bạn cần cân nhắc, kiểm soát việc nạp dư thừa năng lượng từ bất kỳ nguồn nào.

Ngoài ra, theo BS Hà một số người để tránh cơm trắng thường tìm đến ngô, khoai tây, khoai lang,... Tuy nhiên, chúng cũng thuộc nhóm thực phẩm giàu tinh bột giống như cơm, không thuộc nhóm giàu chất xơ.

"Khi kết hợp thực phẩm giàu tinh bột với thành phần chứa nhiều chất béo như sốt kem, bơ,... hay chế biến nướng, chiên sẽ khiến chúng có lượng calo nhiều hơn", BS Hà lưu ý

Ăn theo thực đơn có sẵn trên mạng, không quan tâm bệnh lý

Theo BS Quỳnh Thư nhiều người vì mong muốn ép cân nhanh nên nhịn ăn, uống nước mía thay cơm..., tuy nhiên sau thời gian ngắn nhịn ăn, cơ thể bị suy nhược, rối loạn điện giải. Việc nhịn ăn có thể khiến cơ thể có thể sụt cân nhanh trong thời gian ngắn nhưng bị mất cơ mất nước thay vì mất mỡ. Sau giai đoạn này nhiều người thường thèm ăn và sẽ ăn nhiều hơn, khiến cơ thể tăng cân nhanh hơn trước.

"Ngoài ra, nhiều người chỉ quan tâm đến yếu tố làm đẹp khi giảm cân. Họ ăn theo các thực đơn có sẵn trên mạng hoặc mua thực đơn mà không quan tâm thể trạng mình có phù hợp không, thực đơn đó áp dụng cho cá thể nào. Ví dụ cùng thực đơn 1.000-1.200 calo, tuy nhiên trước khi thiết kế thường bác sĩ phải kiểm tra chỉ số đường huyết, huyết áp bệnh nhân, mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ... để cân đối thực phẩm giúp người bệnh vừa lấy đi mỡ vừa khỏe mạnh, ổn định các bệnh lý đang có", BS Thư lưu ý.

>>> Đón xem bài tiếp sau: "Muôn kiểu giảm cân: Ăn uống sao cho khỏe đẹp?".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.