Muốn làm tốt chiến lược phải cải tổ VFF

20/02/2012 03:39 GMT+7

“Tôi không thể hiểu nổi tại sao ở một dự thảo tầm vóc như Chiến lược và tầm nhìn bóng đá, mà lại có cả những thống kê rất máy móc. Có cảm tưởng, người soạn thảo đang bị bí, và cứ có bất kỳ số liệu nào là nhét vội vào”, ông Ngô Tử Hà, nguyên Phó chủ tịch VFF khóa III, nói.

“Tôi không thể hiểu nổi tại sao ở một dự thảo tầm vóc như Chiến lược và tầm nhìn bóng đá, mà lại có cả những thống kê rất máy móc. Có cảm tưởng, người soạn thảo đang bị bí, và cứ có bất kỳ số liệu nào là nhét vội vào”, ông Ngô Tử Hà, nguyên Phó chủ tịch VFF khóa III, nói.


Ông Ngô Tử Hà phát biểu tại cuộc hội thảo - Ảnh: Ngô Nguyễn 

Ông Hà cho rằng ý tưởng xây dựng Chiến lược bóng đá VN từ năm 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để được Chính phủ phê duyệt là việc làm cần thiết và đáng được trân trọng. Vì từ trước đến nay, chiến lược đã được xây dựng nhiều lần và thông qua ở cấp quản lý ngành và VFF, nhưng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. “Song khi đọc bản dự thảo, sự kỳ vọng của tôi và một số chuyên gia bóng đá khác đã chưa được đáp ứng. Chưa kể, tại buổi hội thảo, còn không thấy cả Chủ tịch VFF đương nhiệm. Với bộ máy yếu kém như VFF hiện nay, thật khó trông chờ chiến lược sẽ được thực hiện đến nơi đến chốn, nếu không muốn nói, không thể làm được!”.

Ông Hà tỏ ra lo lắng vì ở dự thảo “khổng lồ” này, một loạt những mục tiêu đề ra và thời gian thực hiện rất mâu thuẫn nhau: “Từ năm 2012 - 2016, là để hoàn thiện chiến lược và các dự án kèm theo, nghĩa là sau 4 năm nữa mới có thể xong về mặt giấy tờ. 4 năm kế tiếp để thực hiện các chỉ tiêu là khoảng thời gian phi thực tế. Chưa kể, dự thảo đặt ra những con số không biết lấy từ đâu, đã được khảo sát chưa? Một số mục tiêu rất thiếu cơ sở. Và đặc biệt, dự thảo không hề đề cập đến tổng kinh phí dự trù”.

Ông Hà đặt vấn đề khác: “Tôi hoàn toàn không nhất trí với nhận xét ở dự thảo: VFF qua các nhiệm kỳ gần đây lớn mạnh về mọi mặt. Phi lý và không chính xác bởi nhiệm kỳ VI hiện đang bộc lộ quá nhiều sai sót, yếu kém nhất trong các nhiệm kỳ. Cũng cần phải đánh giá lại cho trung thực hơn. Muốn thực hiện được đề án, tôi cho rằng việc cấp thiết là phải gấp rút cải tổ, hoàn thiện bộ máy nhân sự VFF. Thậm chí, phải đại hội bất thường để chọn ra những vị quản lý có năng lực thực sự, có tầm nhìn rộng, có uy tín xã hội”.

Với ông Hà, “Bóng đá là một hoạt động thể thao mang tính xã hội và nhân văn rất cao nhưng hiện tại bóng đá VN đang là một “mớ” lộn xộn, và có người đã dùng từ là “chợ bóng đá”. Xuất phát cũng từ cách điều hành, tầm hiểu biết rất hạn chế của VFF. Ví dụ như hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG. Dư luận không thể không thắc mắc, nghi ngờ, liệu đằng sau chữ ký vào bản hợp đồng 20 năm này có điều gì uẩn khúc? Khi quá trình phát triển của nền kinh tế không phải là cấp số cộng mà là cấp số nhân thì VFF lại kém hiểu biết khi ký tới 20 năm. Bóng đá VN bị coi rẻ, bị thiệt thòi và phải chăng điều này đã bộc lộ rõ lợi ích nhóm. Theo tôi, cần phải thanh tra toàn diện VFF, đặc biệt về vấn đề tài chính, chứ không chỉ thanh tra mỗi bản hợp đồng nói trên. Tôi rất trăn trở với thời hạn kéo dài quá lâu, có thể không vi phạm luật pháp nhưng động cơ và tinh thần trách nhiệm của VFF phải được làm rõ”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.