(TNO) Đêm đến phố đi bộ Nguyễn Huệ lung linh, tấp nập. Trong dòng người, những mảnh đời đang “nương” theo con đường này, tìm kế sinh nhai.
Những “nghệ sĩ” tạo hình từ bong bóng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: Phạm Hữu
|
Phương (*) là một người có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ mất sớm. Ngay từ nhỏ phải tự bươn chải mưu sinh. Đã hơn 6 năm qua, Phương chọn công việc tạo hình những con vật bằng bong bóng. Hằng ngày, những đồ vật gắn liền với Phương là bộ tóc giả 7 màu cộng với trang phục chú hề, trên tay là những bong bóng nghệ thuật với đủ hình thù.
Phương bán trên phố đi bộ từ chiều cho đến tối mịt. Đánh vòng từ đầu đến cuối phố Nguyễn Huệ cho đến khi mệt mới ngồi nghỉ. Nhìn Phương lúc nào cũng thấy vui, có lẽ do cách hóa trang chú hề và trên tay khi nào cũng đầy những bong bóng đủ hình thù từ chú mèo Đô Rê Mon, Kitty, hay con ong, chuồn chuồn…
Với gương mặt thân thiện, Phương dễ dàng thuyết phục người thân của các bé và cả những bạn trẻ mua bóng của mình.
Phương cho biết, từ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ đi vào hoạt động, thấy nơi đây tấp nập nên anh đến đây kiếm sống bằng nghề bán bong bóng. “Mình vừa đầu tư thêm 2 bộ tóc và trang phục hề để có cái thay đổi, chiều tầm 5 giờ là có mặt, đứng bán cho tới khi vắng người mới về. Có những ngày dù bán không được nhiều nhưng đến đây nhìn đài phun nước cũng thấy vui vui”, Phương cười hồn nhiên.
Còn Hậu (*), nữ sinh viên 22 tuổi, quê Gia Lai, cũng “nương” theo phố đi bộ này, kiếm thêm bằng việc bán bong bóng nghệ thuật. Vì ở phố đi bộ cấm bán hàng rong nên Hậu không dám mời, chỉ đeo bong bóng lên người và đi dạo, ai hỏi mua thì bán.
Hậu cho biết cô chọn phố đi bộ để mưu sinh vừa để ngắm người qua lại và xem nhạc nước. Mỗi ngày, Hậu chỉ đến phố đi bộ từ 19 đến 22 giờ. Hôm nào bán không hết, Hậu tặng số bong bóng còn lại cho những em nhỏ khác cũng bám theo con phố này mưu sinh.
Có thâm niêm gần 15 năm bán cà phê trên đường Nguyễn Huệ, bà Vân đã chứng kiến nhiều sự đổi thay trên con đường này. “Nhờ con đường này mà tôi có thể nuôi bản thân và gia đình cho đến hôm nay”. Cảm thấy rất phấn khởi khi con đường này được “thay da đổi thịt”, đẹp hơn, khang trang hơn và nhất là nhiều người tìm đến hơn. Vì vậy công việc mua bán cũng trở nên thuận lợi hơn. Đặc biệt là những lúc trời nóng và người thì đông, tôi bán sướng lắm”, bà Vân hồ hởi.
Nhờ có con đường mới này, nhiều người có thể “nương tựa” vào nó để mưu sinh - Ảnh: Phạm Hữu
|
Bên cạnh những người buôn bán còn có những tìm đến người nhặt đồ phế thải. Anh Huy kiếm sống bằng việc nhặt ve chai đã hơn 7 năm. Công việc của anh bắt đầu từ 5 giờ sáng cho đến tối. Anh luôn đi bộ từ nhà đến các con đường lớn ở trung tâm thành phố. Đêm xuống, anh Huy lại chọn phố đi bộ làm nơi lui tới.
Trong bộ quần áo lấm lem, lúc thì cuối đường, chốc lát lại thấy anh ở phía đầu con đường. Cứ vậy, thoăn thoắt, anh gắp những chiếc chai nhựa, ly nhựa dùng rồi bỏ vào túi. Bình thường, anh phải lục lọi ở những thùng rác công cộng, hoặc nhặt những chai còn sót lại trên lề đường, nhưng trên phố đi bộ, nhiều người đi đường cho những chai lọ bỏ đi vào thẳng chiếc túi nhựa anh mang theo.
Gạt mồ hôi trên trán, anh trầm ngâm: “Tôi chỉ biết bám vào những con đường, nhất là đường Nguyễn Huệ này. Lấy những thứ người khác bỏ đi để 'biến' thành miếng cơm của mình. Nhờ vậy, mới sống được!".
Bình luận (0)