Theo Bloomberg, từ năm 2017, Văn phòng Xúc tiến Đổi mới của Olympic Tokyo đã làm việc với NTT, Panasonic, Intel, Alibaba và Toyota Motor để khám phá những cách phát sóng chương trình thể thao kiểu mới. Keiichi Koshiba - người lên kế hoạch phần audio và video tin rằng Olympic là dịp để các hãng công nghệ tích lũy và chia sẻ kiến thức công nghệ với nhau, giúp tạo ra giá trị lớn và để lại di sản cho các thế hệ tiếp theo.
Tại Nhật Bản, màn hình khổng lồ dài 55 mét trôi nổi trên Vịnh Sagami có nhiệm vụ phát trực tiếp cuộc đua thuyền buồm Olympic. Trong bối cảnh không có khán giả hưởng ứng, màn hình này giúp quan chức theo dõi cuộc đua từ xa và gia đình những người tham dự có thể cổ vũ cho họ. Màn hình nhận được video trực tiếp do camera 4K gắn trên drone ghi lại, truyền tới qua tín hiệu 5G và là sản phẩm hợp tác giữa Intel, Nippon Telegraph & Telephone và NTT Docomo.
|
Đứng đầu nhóm xây dựng màn hình khổng lồ cho công ty NTT, Shingo Kinoshita cũng xây dựng hệ thống holography để phát các trận cầu lông 3 chiều tại địa điểm cách xa sàn đấu chính thức hàng km. Hệ thống giúp khán giả từ xa có cảm giác được xem trực tiếp cuộc thi, nhưng cuối cùng kế hoạch bị hủy vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Dù hệ thống của Kinoshita không được đưa vào thử nghiệm, Olympic Tokyo vẫn giúp anh có cơ hội và kinh phí để thực hiện các dự án như vậy. Công nghệ streaming từ xa và holography đã có từ lâu nhưng chưa được áp dụng phổ biến tại các sự kiện công cộng. Những công nghệ như vậy có thể đưa khán giả đến không gian một buổi hòa nhạc, hay giúp người hâm mộ toàn cầu cùng tham gia một sự kiện.
|
Năm nay, nhiều khán giả chọn xem Olympic qua chương trình phát sóng trên TV và các website phát trực tuyến. Tuy nhiên, hạn chế đi lại trong mùa dịch đã ngăn các kỹ sư nước ngoài đến Nhật để kiểm tra đường truyền. Panasonic là công ty chính chịu trách nhiệm xử lý các chương trình phát sóng Olympic kể từ Olympic Barcelona 1998. Ayuta Onishi - người phụ trách hệ thống phát sóng truyền hình tại Panasonic gọi đây là trải nghiệm "rất thách thức và đáng lo".
Dẫu có nhiều khó khăn Panasonic vẫn làm tốt nhiệm vụ với gần 9.500 giờ phát sóng Olympic Tokyo 2020, tăng 30% so với Olympic Rio 2016, đem đến cho khán giả hình ảnh với độ phân giải 4K cho 339 bộ môn thi đấu.
Theo AFP, họ dùng hệ thống 3D Athelete-Tracking lấy hình ảnh từ nhiều camera, kết hợp với AI (trí tuệ nhân tạo) để nắm bắt chuyển động của các vận động viên từ mọi góc độ, giúp người xem từ xa hiểu những gì đang xảy ra trong cuộc đua.
Đặc biệt, khán giả Nhật có thể xem trực tiếp chương trình ở độ phân giải 8K. Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK là công ty đi đầu trong lĩnh vực này và chỉ sử dụng các camera mới nhất. Takayuki Yamashita thuộc trung tâm nghiên cứu công nghệ của NHK cho biết: “Một trong những điểm mạnh của 8K là hiển thị cách cơ thể chuyển động với độ chi tiết chưa từng có trên màn hình".
|
Đài truyền hình Pháp France Televisions thì không muốn chạy theo độ phân giải cao, mà hướng tới việc tạo hiệu ứng hình ảnh giúp trường quay của họ như đang trôi nổi trên Vịnh Tokyo. Họ cho biết: "Chúng tôi tạo ra một bong bóng kính ảo, qua đó người xem sẽ nhìn thấy những tòa nhà đẹp nhất Tokyo".
Họ dùng 5 camera trong trường quay, gồm 1 camera chạy trên đường ray, cần trục và nhiều camera Panasonic PTZ, cùng với hệ thống camera tracking RedSpy để tạo ra ảo giác về không gian bên trong bong bóng.
Cảnh quan Tokyo xung quanh bong bóng dựa trên thời tiết và ánh sáng của thành phố ngoài đời thực, được dựng nên nhờ công cụ Unreal Engine, máy chủ đồ họa Avid và phần mềm Maestro.
Đài truyền hình Pháp cho biết: "Chúng tôi đã cải thiện hệ thống đi xa hơn nữa, dùng camera ảo để tạo ra một điểm quan sát không có thật, tạo ra hiệu ứng mặt nước, kính, bầu trời, thành phố, dùng phần mềm để kết nối với thời gian và thời tiết ở Tokyo".
Bình luận (0)