Người ta thường nói: “Lửa rơm dễ nấu, chồng xấu dễ xài”. Ngẫm ra, tương tự “tính nết anh chàng” mướp rắn!
|
Và xin hãy lắng nghe:
“ Ôi trời đất quỷ thần ơi! Có cái đuôi con gì từa tựa con rắn trong dĩa lòng xào kìa anh!
- Đâu? Đâu?
- Em sợ rắn nhất anh biết không!
- Bình tĩnh đi cưng! Đó là đuôi của một loại mướp lạ.
- Có độc không anh?
- Không! Trái lại nó rất ngoan hiền và hấp dẫn không kém... em!
- Quỷ anh!”, đôi tình nhân đang thủ thỉ bên món lạ. Thoạt đầu cứ ngỡ đang có chuyện động trời sắp xảy ra. Thì ra, trong tình huống này, mướp rắn thêm tính năng mới là kích thích men... yêu.
|
Bàn kế bên, một nhóm khách đang “xử” mướp xà xào lòng ba ba. Miếng mướp giòn ngọt sần sật, nằm cạnh chùm trứng non vàng mọng - béo bùi. Hứng chí, một ông xổ nho thay lời khen: “Tôi đã cựu nghinh tân!”
Ưu điểm của loại mướp này là “chịu lửa”. “Thịt” mướp không bị “sộp” (hao hụt), khi bị đun nấu ở nhiệt độ cao như các loại mướp ta. Và nó cũng có nhược điểm: phần vỏ mướp mỏng tanh, vằn vện trắng - xanh như da rắn lục, nghe mùi rất hăng. Cho nên lúc chế biến, ta cạo bỏ lớp vỏ ngoài sẽ an tâm ngon!
|
Muốn thưởng thức trọn vẹn độ giòn và tươi của loại mướp “mình dây quăn queo” này, cũng có thể làm món gỏi hải sản. Bình thường, su hào hoặc đu đủ hườm đã giòn có hạng rồi, nhưng vẫn thua xa. Mướp cần bào thật mỏng, bóp sơ với ít muối bọt, rửa sả rồi vắt ráo. Thêm vài muỗng cà phê nước cốt cam sành vào hỗn hợp gia vị gỏi. Dân sành ăn, mới ngửi thôi đã sợ chết... thèm!
Cũng có thể do thổ nhưỡng hoặc có ít nhất 2 giống mướp rắn khác nhau. Bởi vì, trái mướp do cô Bé ở Thủ Đức trồng, không hề giống trái mướp trên giàn nhà anh Ba Nhiều, tận Q.12, TP.HCM. Phần vỏ mướp của cô Bé, những sọc trắng - xanh rõ nét và hăng đậm hơn. Trái cũng ốm nhưng độ cong queo nhiều hơn, đặc biệt phần chót đuôi thường vểnh lên. Còn trái mướp của anh Ba Nhiều lại to và dài hơn (gần 2m), phần sọc xanh nhạt hơn. Độ hăng từ vỏ mướp cũng ít hơn. Trái càng già, lại tỏa mùi thơm dìu dịu tựa lớp vỏ phấn của dưa leo non. “Đuôi” mướp cũng ít vểnh lên.
Tuy vậy, chúng vẫn có điểm chung: rất say trái. Giàn mướp cô Bé, có 2 dây, đã hái ăn và mang biếu hơn 300 trái. Cách 3 - 4 ngày, cô lại cắt 6 - 7 trái. Bí quyết, là bón phân chuồng đã hoai mục vào gốc. Cô khoe: “Vài ba tháng sau, khu phố của tui sẽ thành khu phố mướp rắn. Vì có nhiều người đến xin hạt giống, chụp hình lưu niệm bằng điện thoại.”
Một người bạn vong niên của người viết ở Gò Vấp, TP.HCM, cũng nhờ xin hạt giống giúp. Ông này có ý tưởng thật ngộ nghĩnh: “Trồng nó, lợi hai ba đường. Vừa che mát sân vườn, vừa có món lạ, lành (hiền) đãi bạn bè. Quan trọng hơn là mình có thể hù dọa những con rắn lục thật. Tưởng tượng xem, nửa đêm, lỡ có con nào lớ ngớ bò vào cổng nhà mình. Nó ngước nhìn thấy một bầy rắn cũng toàn lục, đủ cỡ, đang chơi đánh đu trong gió. Nó không hoảng hồn bỏ chạy mới lạ!”.
|
|
Theo một số tài liệu khoa học, mướp rắn còn gọi mướp hổ, có nguồn gốc từ Ấn Độ, tên khoa học là Trichosanthes anguina L, thuộc họ bầu bí, được du nhập vào nước ta từ lâu. Song, chủ yếu người dân trồng làm cảnh hoặc để ăn chơi, ít mang ra chợ bán. Gặp năm rắn quay lại, giống mướp trùng tên bỗng được nhiều người quan tâm.
Lương y Minh Phúc viết: “Theo y học cổ truyền mướp rắn có vị ngọt nhạt tính mát, sử dụng tốt cho những người nóng nhiệt, cầu táo, tiểu vàng, ho viêm họng... và ít năng lượng hợp những người đang cần giảm cân...”, lược trích bài “Mướp Rắn”, mục Cây Thuốc Quanh Ta, báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đăng ngày 11.11.2008.
Tại TP.HCM, một quán nướng trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, có bán các món mướp rắn vào các ngày thứ Tư - Năm trong tuần. Anh Hải, chủ quán phân trần: “Không phải quán chảnh đâu! Do chưa có nguồn hàng thường xuyên”.
Tấn Tới
Bình luận (0)