|
Đó là bà Võ Thị Cúc (ngụ ở cù lao Long Trị, xã Long Đức, TP.Trà Vinh, Trà Vinh). Từ một lần dùng bột trái bần nấu lẩu, canh chua cho du khách ăn và ai nấy đều khen ngon, bà nảy ra ý định chế thành bột bần để sử dụng trong nấu nướng. Trầy trật thử nghiệm cách này cách kia do bột bần chỉ dùng được trong ngày, cuối cùng bà Cúc cũng tìm được giải pháp làm bột bần lên men để lâu cả tháng không hư.
Năm 2008, bà Cúc chế bột bần, cho vào hũ loại 350 gr bán lẻ cho khách du lịch, dân địa phương. Ăn ngon nên người nọ truyền miệng người kia, lượng tiêu thụ bột bần tăng mạnh. Bà Cúc mạnh dạn lập cơ sở chế biến bột bần Thủy Tiên với đặc sản bột bần và mứt bần, cung ứng cho thị trường. Năm 2009, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh hỗ trợ cho bà mua máy móc để chế biến. Cũng trong năm này, sản phẩm mứt bần và
bột lẩu bần của bà Cúc được công nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.
Bà Cúc cho biết mỗi ngày cơ sở Thủy Tiên thu mua từ 100 - 400 kg bần chín do người dân mang tới bán, giá từ 4.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sau khi chế biến, bột bần bà bán giá 16.000 đồng/lọ. Hiện nay bột bần, mứt bần không chỉ tiêu thụ mạnh ở Trà Vinh mà còn có mặt trong các siêu thị tỉnh Bến Tre, An Giang, Đồng Nai, TP.HCM và trong các kỳ hội chợ nhiều nơi.
Bà Cúc kể: “Lúc đầu tôi cũng ngại lắm, vì bần là loài cây nghe tên thấy buồn quá, không biết bán có ai chịu ăn không. Rồi ngày tết, ngày vui ai dám mua “bần” về ăn đây. Nhưng sau khi làm, bán thử, sản phẩm từ trái bần được gửi vào các siêu thị cận tết năm 2009 đã bán hết vèo. Nhờ vậy mà tôi mạnh dạn làm tới”. Đến nay, bà Cúc đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và giúp người dân quê có thêm thu nhập.
Bà Cúc nói ở miền quê các tỉnh ĐBSCL, cây bần mọc thành rừng và các loài như tép bần, cá tra bần... sống dưới gốc cây bần nhiều lắm, chúng là sản vật của rừng bần. Các món ăn này nếu phối hợp với lẩu bần, mứt bần giữa khung cảnh rừng bần sẽ tạo thành hương vị miền quê tuyệt vời. Nếu các tour du lịch chú ý các điểm độc đáo này mà khai thác thì dân nghèo bớt khổ, trái bần được nâng cao giá trị.
Thanh Dũng
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 2: Nuôi chồn hương
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 3: Làm giàu nhờ vỏ trấu
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 4: Nuôi chim trĩ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 5: Nuôi cá xứ lạnh
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 6: Làm đồ ăn chay
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 7: "Vua" đặc sản từ 8,5 triệu đồng
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 8: Lò nung vôi không khói
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 9: Hốt bạc nhờ hàng “độc”
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 10: Liên kết nuôi thỏ
Bình luận (0)