Mỹ 'ăn miếng trả miếng' với Nga về dữ liệu hạt nhân

Khánh Như
Khánh Như
29/03/2023 10:01 GMT+7

Theo phía Mỹ, đây là động thái nhằm đáp trả hành động tương tự của Nga đối với việc chia sẻ dữ liệu hạt nhân.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Mỹ sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân với Nga nhằm đáp trả động thái tương tự từ Moscow, tờ The Hill đưa tin.

Cụ thể, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 28.3 gọi đây là phản ứng của Mỹ đối với việc Nga đình chỉ việc tham gia hiệp ước New START, thỏa thuận hạt nhân cuối cùng còn lại giữa hai nước.

Mỹ 'ăn miếng trả miếng' với Nga về dữ liệu hạt nhân

Theo ông Kirby, Mỹ cho rằng Nga đã không tuân thủ đầy đủ New START và từ chối chia sẻ dữ liệu mà hai bên đã thống nhất sẽ chia sẻ mỗi 6 tháng. Do đó, Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu mỗi 2 năm của nước này nhằm đáp trả động thái của Nga.

Mỹ tung đòn đáp trả việc Nga ngừng cung cấp dữ liệu hạt nhân - Ảnh 1.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby

REUTERS

Bản cập nhật dữ liệu mỗi 2 năm mà Mỹ và Nga thống nhất bao gồm thông tin về các phương tiện vận chuyển chiến lược, bệ phóng và đầu đạn hạt nhân được triển khai. Nó cũng bao gồm dữ liệu phân tích số lượng đầu đạn được triển khai trên không, trên biển và trên bộ.

"Theo luật pháp quốc tế, Mỹ có quyền đáp trả những vi phạm của Nga đối với Hiệp ước New START bằng cách thực hiện các biện pháp đối phó tương đương và có thể thay đổi nhằm đưa Nga quay lại tuân thủ các nghĩa vụ", ông Kirby nói.

Tàu ngầm hạt nhân Nga tuần tra ngoài khơi Mỹ ‘chỉ còn là vấn đề thời gian’?

Cùng ngày 28.3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow hiện không còn liên lạc với Washington về hiệp ước New START. "Không có liên hệ nào về Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược với Mỹ", ông Lavrov nhấn mạnh, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Theo Reuters, Mỹ và Nga nắm giữ gần 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới, một con số đủ để hủy diệt hành tinh nhiều lần. Chính vì thế, New START được xây dựng nhằm đặt ra hạn chế đối với số lượng thiết bị hạt nhân Nga và Mỹ triển khai trên thế giới. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Moscow và Washington được phép triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa và máy bay ném bom trên đất liền và trên tàu ngầm.

Hôm 22.2, Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện) đã thông qua dự luật hoãn thực thi hiệp ước hạt nhân New START. Dự luật được Tổng thống Vladimir Putin trình lên Duma Quốc gia (hạ viện) và được cơ quan này nhất trí thông qua trước đó, cùng ngày 22.2. Từ đó, hiệp ước tạm thời không có hiệu lực và việc khôi phục tùy thuộc quyết định của Tổng thống Nga.

Tổng thống Putin thông báo quyết định tạm ngừng thực thi hiệp ước sau khi Nga cáo buộc Mỹ cản trở các cuộc thanh sát tại các địa điểm quân sự theo New START. Mỹ bác bỏ cáo buộc này.

Nga sắp xây xong căn cứ cho tàu ngầm mang siêu ngư lôi Poseidon

Trong bài phát biểu ngày 21.2, Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ "đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới", đồng thời cảnh báo rằng nếu Washington tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới thì Moscow cũng sẽ làm như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.