Mỹ bác bỏ khả năng giải cứu Ngân hàng Silicon Valley

12/03/2023 21:52 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói muốn tránh tác động xấu từ vụ phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) nhưng bác bỏ khả năng giải cứu ngân hàng này.

"Chúng tôi muốn đảm bảo những rắc rối tồn tại ở một ngân hàng không gây ảnh hưởng xấu lây lan cho các ngân hàng khác đang ổn định", Bộ trưởng Tài chính Yellen nói trong cuộc phỏng vấn với đài CBS ngày 12.3.

Tuy nhiên, nữ bộ trưởng nhấn mạnh chính quyền sẽ không giải cứu các ngân hàng như Silicon Valley, như từng làm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cảnh sát tại trụ sở của SVB ở Santa Clara, bang California ngày 10.3

Cảnh sát tại trụ sở của SVB ở Santa Clara, bang California ngày 10.3

AFP

"Tôi muốn làm rõ rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính (năm 2008), đã có những nhà đầu tư và chủ sở hữu các ngân hàng lớn được cứu trợ. Nhưng những cải cách đã được thực thi đồng nghĩa chúng tôi sẽ không làm điều đó (giải cứu) một lần nữa", bà Yellen nói. "Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại về những người gửi tiền và đang tập trung đáp ứng nhu cầu của họ", bà cho biết thêm nhưng không nói rõ biện pháp là gì.

Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với NBC, thượng nghị sĩ Robert Menendez của đảng Dân chủ cũng tuyên bố sẽ không ủng hộ chính phủ giải cứu SVB. Ông Menendez là thành viên Ủy ban Ngân hàng, nhà ở và các vấn đề đô thị Thượng viện.

Ngân hàng số một cho nhiều start-up ở Mỹ đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

Bình luận của các quan chức được đưa ra sau khi SVB, một trong những nhà cho vay nổi bật nhất trong thế giới khởi nghiệp (start-up) công nghệ ở Thung lũng Silicon, bị phá sản ngày 10.3. Đây là vụ ngân hàng phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và là vụ lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.

Hôm 10.3, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), một cơ quan quản lý độc lập của chính phủ Mỹ, đã nắm quyền kiểm soát 175 tỉ USD tiền gửi của khách hàng tại SVB.

Sự sụp đổ của SVB đã dấy lên những lo ngại về một cuộc rút tiền khỏi các ngân hàng khu vực, và năng lực của các doanh nghiệp nhỏ hợp tác với SVB để trả lương cho nhân viên.

Theo Bloomberg, FDIC và Cục Dự trữ liên bang (Fed) đang cân nhắc tạo ra một quỹ đặc biệt để đảm bảo tiền gửi tại các ngân hàng gặp rắc rối sau vụ phá sản của SVB. Nguồn tin của Bloomberg cho biết các nhà quản lý đang bàn bạc về biện pháp này với giới lãnh đạo các ngân hàng và hy vọng thiết lập một quỹ để trấn an những người gửi tiền và giảm tâm lý hoang mang.

Tuy nhiên, bất chấp sự hoảng loạn ban đầu ở Phố Wall, các nhà phân tích cho biết sự sụp đổ của SVB khó có thể gây ra hiệu ứng domino từng làm chao đảo ngành ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 15 năm, CNN phân tích.

Bà Yellen và các quan chức Nhà Trắng tự tin rằng các nhà quản lý ngân hàng có đủ năng lực để ứng phó. Trong cuộc phỏng vấn, bà Yellen cho hay hệ thống ngân hàng Mỹ đã tăng cường sức chống chịu nhờ những quy định mới trong kiểm soát và dòng vốn từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008 và những thách thức trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19.

Khi được hỏi liệu chính quyền có cân nhắc khả năng một ngân hàng nước ngoài mua lại SVB, bà Yellen nói việc đó thuộc quyền quyết định của FDIC.

FDIC đã bảo đảm cho các khoản tiền gửi lên đến 250.000 USD, nhưng các khoản tiền cao hơn - chiếm 85% số tài khoản của SVB - đang gặp nguy cơ. Bà Yellen không trả lời thẳng về việc liệu những người gửi tiền có nên được hoàn tiền đầy đủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.