Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu áp dụng suốt 40 năm qua, mở ra viễn cảnh giá dầu thế giới sẽ trở nên ổn định hơn.
Một nhà máy lọc dầu tại Los Angeles, bang California - Ảnh: Reuters |
Quốc hội Mỹ ngày 19.12 bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm trên và Tổng thống Barack Obama nhanh chóng đặt bút ký thành luật, theo AFP. Như vậy, sản lượng 9,2 triệu thùng dầu được sản xuất tại Mỹ mỗi ngày, chiếm gần 10% nguồn cung của thế giới, và 490,7 triệu thùng dầu thô dự trữ thương mại đều có thể được xuất khẩu. Song song đó, Mỹ cũng quyết định tiếp tục gia hạn giảm thuế thêm 5 năm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh nhằm thúc đẩy khai thác năng lượng tái tạo. Đây được xem là sự nhượng bộ lẫn nhau giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong quốc hội Mỹ.
Hôm qua, các thành viên đảng Cộng hòa và những tập đoàn dầu khí lớn ở Mỹ ca ngợi quyết định mới sẽ giúp tạo việc làm, đảm bảo an ninh dầu mỏ trong nước và ổn định giá dầu thế giới vì góp phần bù vào lượng dầu sụt giảm do bất ổn ở Trung Đông. Mặt khác, tờ USA Today dẫn lời một số chuyên gia nhận định bước đi nói trên còn mang ý nghĩa chính trị. Có thêm một nguồn cung, các đồng minh và đối tác của Mỹ, nhất là tại châu Âu, sẽ giảm được sự phụ thuộc vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lẫn các quốc gia giàu dầu mỏ nhưng thuộc dạng “khó chịu” với phương Tây như Nga và Venezuela. Đây cũng có thể được xem là động thái “dằn mặt” những quốc gia xuất khẩu dầu Ả Rập, vốn là đồng minh nhưng đang không thuận với Mỹ về một số vấn đề như chính sách giá dầu và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng động thái của Mỹ sẽ không tác động nhiều đến thị trường toàn cầu vốn đã ổn định về lượng cung lẫn cầu. Tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri tuyên bố về bản chất, Mỹ “vẫn là nước nhập khẩu dầu”. Theo nhiều chuyên gia, thực tế hiện nay giá dầu thô Mỹ (35 USD/thùng) không rẻ hơn mấy so với các nơi khác và nếu tính thêm chi phí vận chuyển thì xuất khẩu dầu không mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà sản xuất Mỹ. Bên cạnh đó, Reuters dẫn lời lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi lo ngại việc cho phép xuất khẩu dầu sẽ khiến giá dầu trong nước tăng bằng giá dầu toàn cầu. Các tổ chức vận động bảo vệ môi trường thì cho rằng “bật đèn xanh” xuất khẩu dầu sẽ khiến Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào dầu thô thay vì tìm kiếm nguồn năng lượng sạch cũng như gây nên nguy cơ gia tăng những sự cố như tràn dầu, theo AFP.
Năm 1973, các thành viên Ả Rập của OPEC cộng thêm Ai Cập và Syria cấm bán dầu cho Mỹ cùng một số đồng minh để trả đũa việc hậu thuẫn quân sự cho Israel trong cuộc chiến Yom Kippur cùng năm. Quyết định này khiến giá dầu thế giới tăng mạnh, kéo theo nhiều hệ lụy khác và gây nên sự kiện gọi là Khủng hoảng dầu mỏ 1973. Lệnh cấm vận kéo dài đến tháng 3.1974 mới kết thúc. Sau đó, do lo ngại về việc quá phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài nên quốc hội Mỹ quyết định ra lệnh cấm xuất khẩu dầu, áp dụng từ năm 1975, theo Reuters.
|
Bình luận (0)