Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong vòng một năm nếu không được Bộ Ngoại giao Mỹ gia hạn hoặc dỡ bỏ, theo Yonhap. Những trường hợp ngoại lệ có thể được phép đến Triều Tiên là nhà báo, đại diện Hội Chữ thập đỏ và những đối tượng khác có lý do nhân đạo hoặc có yêu cầu đi lại “nằm trong lợi ích quốc gia”.
Những công dân Mỹ hiện đang ở Triều Tiên phải rời khỏi quốc gia này trước ngày 1.9, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hãng thông tấn KCNA ngày 3.5 xác nhận việc CHDCND Triều Tiên bắt giữ công dân Mỹ gốc Hàn hồi tháng trước vì cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo lệnh cấm nói trên hồi tháng trước theo sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier bị bắt giữ ở Triều Tiên. Warmbier, 22 tuổi, bị bắt hồi tháng 1.2016 tại Bình Nhưỡng vì hành động ăn trộm một tấm áp phích cổ động trong khách sạn và bị tuyên án 15 năm tù khổ sai với tội “hành động thù địch chống lại nhà nước”.
Theo giới chức Triều Tiên, Warmbier bị ngộ độc thịt và rơi vào hôn mê sau khi uống một viên thuốc ngủ không lâu sau khi bắt đầu thụ án. Người này vẫn hôn mê sau khi được phóng thích và đưa về Mỹ ngày 13.6 nhưng không qua khỏi hôm 19.6. Các bác sĩ Mỹ khẳng định Warmbier đã bị chấn thương não nghiêm trọng nhưng không có dấu hiệu ngộ độc thịt.
Hiện còn 3 công dân Mỹ bị bắt giữ ở Triền Tiên, tất cả là người gốc Hàn, theo Yonhap.
Chính giới và dư luận Mỹ đã phản ứng dữ dội sau cái chết của Otto Warmbier, sinh viên 22 tuổi vừa được CHDCND Triều Tiên trả về nước sau 17 tháng giam cầm.
Bình luận (0)