Nhà Trắng ngày 22.4 ra thông báo cho biết phái đoàn cấp cao Mỹ đã truyền đạt với giới lãnh đạo Quần đảo Solomon rằng thảo thuận an ninh được ký mới đây với Trung Quốc kéo theo những tác động an ninh tiềm tàng trong khu vực đối với Mỹ và các đồng minh.
Phái đoàn gồm Điều phối viên phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink và nhiều quan chức Lầu Năm Góc.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chứng kiến lễ ký một thỏa thuận của ngoại trưởng hai nước tại Bắc Kinh hồi năm 2019 |
Reuters |
Theo thông báo, phái đoàn Mỹ nói sẽ “rất quan ngại và sẽ phản ứng phù hợp” nếu xảy ra những bước nhằm thiết lập hiện diện quân sự thường trực, các năng lực triển khai sức mạnh hoặc một cơ sở quân sự tại Solomon.
Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương. Bất cứ sự hiện diện nào của quân đội Trung Quốc đều có thể buộc Canberra và Washington phải thay đổi tính toán tại khu vực.
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã tìm cách trấn an Mỹ và Úc rằng Trung Quốc không đưa điều khoản thiết lập căn cứ quân sự vào thỏa thuận. Trong tuyên bố mới, Nhà Trắng nhấn mạnh sẽ theo dõi sát sao những diễn biến và tham vấn với các đối tác trong khu vực.
Trong cuộc gặp của phái đoàn Mỹ với Thủ tướng Sogavare và các quan chức cấp cao Solomon, các quan chức Mỹ đã thảo luận về việc đẩy nhanh tiến độ mở đại sứ quán Mỹ tại Solomon, viện trợ y tế, vắc xin và tăng cường mối quan hệ nhân dân.
Hiện chưa rõ Mỹ dự định phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc mở căn cứ quân sự tại Solomon. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ không có nhiều lựa chọn để phản ứng, theo Reuters. “Bạn có thể giảm viện trợ nhưng điều đó chỉ khiến Quần đảo Solomon lại gần hơn với Trung Quốc”, chuyên gia về Trung Quốc Dean Cheng tại tổ chức chính sách Quỹ Di sản (Mỹ) nhận định.
Nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman tại tổ chức RAND Corporation (Mỹ) cho rằng Mỹ có thể thúc đẩy việc mở căn cứ tại đông bắc Úc để theo dõi lực lượng Trung Quốc, hoặc tuần tra nhiều hơn tại vùng biển khu vực. Tuy nhiên, ông lưu ý không chắc những lựa chọn trên sẽ hiệu quả. “Tôi nghĩ rằng Mỹ và Úc đã rất trễ trong cuộc chơi này và Trung Quốc đã ghi bàn đầu tiên về việc hiện diện an ninh tại châu Đại Dương”, ông Grossman nói.
Bình luận (0)