Lực lượng Mỹ, Anh, Canada và Na Uy đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn mang tên ICEX 2018 tại Bắc cực, dự kiến kéo dài đến giữa tháng 4.
Trong số này, Canada, Mỹ và Na Uy nằm trong số những quốc gia trực tiếp tham gia tranh chấp chủ quyền tại Bắc cực nhưng dường như họ đang bắt tay để cùng ứng phó Nga, vốn được xem là thế lực đáng gờm nhất tại khu vực lạnh giá này. Anh thì căng thẳng với Nga vì nghi án đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.
Tác chiến dưới lớp băng
Theo CNN, trong khuôn khổ tập trận, Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân USS Hartford thuộc lớp Los Angeles, được đánh giá là có năng lực tàng hình hầu như hoàn toàn trong lòng biển, cùng tàu ngầm tấn công nhanh USS Connecticut phối hợp với tàu ngầm HMS Trenchant của Anh để luyện tập tác chiến tìm diệt tàu đối phương. Trong một bài diễn tập, USS Hartford khai hỏa ngư lôi dài 7 m, nặng 2 tấn, phóng đi bên dưới lớp băng và phá hủy mục tiêu giả định là tàu ngầm đối phương.
Chuẩn đô đốc James Pitts, chỉ huy Trung tâm phát triển tác chiến trong lòng biển của hải quân Mỹ, cho biết điểm đặc biệt của ICEX 2018 là không chú trọng tàu nổi và tàu phá băng mà tập trung vào hoạt động của tàu ngầm bên dưới lớp băng của Bắc cực.
Đây là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất của trái đất. Thậm chí động tác đơn giản như điều khiển tàu ngầm nổi lên bề mặt cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng và đòi hỏi kỹ năng khéo léo của thủy thủ đoàn. Cách đây 2 năm, chính tàu ngầm USS Hartford trong lúc trồi lên ở vùng biển này đã mắc kẹt ngay bên dưới mặt băng, buộc các quân nhân phải dùng xẻng và cưa xích phá lớp băng dày để mở nắp tàu.
Di chuyển dưới mặt băng ở Bắc cực không phải là chuyện dễ dàng vì tàu ngầm không thể dựa vào hệ thống định vị toàn cầu GPS, trong khi hoạt động liên lạc bị giới hạn. Thủy thủ đoàn cũng đối mặt với nguy hiểm ở bên dưới lẫn trên mặt băng, vì các dải băng có thể dày đến 45 m.
Vì thế, website hải quân Mỹ (navy.mil) dẫn lời chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương Corey B.Barker khẳng định ICEX 2018 “cung cấp cơ hội cho lực lượng tàu ngầm Mỹ và đồng minh thử nghiệm các hệ thống tác chiến, sonar, liên lạc và thao tác hàng hải trong một môi trường đầy thách thức”.
Chiến tranh Lạnh trở lại ?
Theo Chuẩn đô đốc Pitts, Bắc cực vài năm gần đây đã trở thành một chủ điểm hoạt động quan trọng của tàu ngầm Mỹ, trong bối cảnh Nga ngày càng củng cố hiện diện tại đây, còn Trung Quốc cũng đã bắt đầu thể hiện tham vọng đối với khu vực. Bên cạnh nỗ lực phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân và tàu phá băng kiên cố, quân đội Nga đã xây dựng được một “vành đai thép” dọc theo lãnh thổ kéo dài đến Bắc cực, bao gồm hàng chục căn cứ, cảng biển và sân bay quân sự.
Trong khi đó, Trung Quốc hồi tháng 1 công bố Sách trắng về chính sách Bắc cực kêu gọi tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tiến hành thám hiểm và phát triển tuyến hàng hải nhằm hình thành “Con đường tơ lụa Bắc cực”. Cuối tháng 8.2015, nước này cũng đã lần đầu tiên đưa 5 tàu chiến vào vùng biển Bering ngoài khơi Alaska.
CNN dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc nói áp lực mới từ các đối thủ tiềm tàng càng khiến những cuộc tập trận như ICEX 2018 thêm phần cấp bách. Bằng chứng là lần đầu tiên trong một thập niên qua, Anh cử tàu ngầm sát cánh với đồng minh Mỹ để diễn tập bên dưới bề mặt băng.
Bên cạnh đó, ông Matthew Fanning, chỉ huy tàu USS Hartford, cho hay để ứng phó các thách thức mới, lực lượng tàu ngầm Mỹ tập trung trở lại vào các sứ mệnh như thời Chiến tranh lạnh, có nghĩa là chú trọng kỹ năng săn đuổi và tiêu diệt tàu nổi lẫn tàu ngầm đối phương.
Ngoài ra, hải quân Mỹ còn đang cấp tập phát triển tàu ngầm hạt nhân mới đủ sức hoạt động tại chiến trường băng giá. Hiện lực lượng này đang vận hành 42 tàu lớp Los Angeles và lên kế hoạch thay thế 14 tàu lớp Ohio bằng lớp Columbia. Dự kiến, chiếc đầu tiên của lớp Columbia sẽ được trình làng vào năm 2021.
Thị trấn quân sự Nga ở Bắc cực gặp sự cố
Báo mạng The Independent Barents Observer hôm qua loan tin lò đun của nhà máy cung cấp nhiệt trung tâm tại thị trấn Zaozersk, cực bắc nước Nga, đã bị hỏng, khiến nơi này đang trong tình trạng không có nước nóng và năng lượng để sưởi ấm. Zaozersk là nơi đặt nhiều căn cứ hải quân cho các tàu ngầm hạt nhân thuộc Hạm đội phương Bắc. Nhiệt độ tại Zaozersk vào mùa này vào khoảng -100C và có khoảng 10.000 người, chủ yếu là quân nhân cùng gia đình, cư trú thường xuyên tại đây. The Independent Barents Observer dẫn nguồn tin địa phương cho hay nhà chức trách đang nỗ lực khắc phục sự cố còn Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận nào.
|
Bình luận (0)