Mỹ có đang cố ý giữ giá USD thấp?

04/02/2018 11:00 GMT+7

Giá đô la Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Theo CNN, giới chuyên gia cho rằng sự sụt giảm được thúc đẩy ít nhất một phần bởi chính phủ Mỹ. Một số người còn tin rằng đây là chiến dịch có chủ ý nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ qua việc khiến nhiều đối tác chính như châu Âu và Nhật Bản phải trả nhiều tiền hơn.
Joachim Fels, nhà kinh tế học tại hãng đầu tư Pimco, cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh trong lĩnh vực tiền tệ, và đang thắng. Thay vì một cuộc xung đột trần trụi vốn liên quan trực tiếp đến việc can thiệp vào thị trường tiền tệ, Mỹ thực hiện nhiều động thái bí mật hoặc đưa ra tuyên bố.
Kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trên đà tăng lãi suất. Điều này thường hỗ trợ bằng cách làm USD mạnh lên. Dù vậy, một số ý kiến và hành động của chính phủ Mỹ đang khuyến khích giới đầu tư làm USD yếu đi. USD giảm giá khoảng 13% so với các loại tiền tệ chính kể từ đầu năm 2017.
Ông Fels cho rằng việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của Tổng thống Trump đến không đúng thời điểm vì kinh tế Mỹ đang diễn biến tốt. Các biện pháp này sẽ tăng nợ chính phủ, khiến nhà đầu tư ít muốn sở hữu tài sản niêm yết bằng USD chẳng hạn như trái phiếu Mỹ.
Các chính sách kể trên đang gửi tín hiệu rõ ràng cho thị trường: Đồng USD yếu chính là mục tiêu của Mỹ. Hiện thị trường thế giới đã hiểu tín hiệu này. Tuần trước, nhận định “USD yếu là tốt cho nước Mỹ khi nói đến thương mại và cơ hội” của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin càng gia tăng tâm lý tiêu cực. Ông Mnuchin sau đó nói rằng nhận định của ông đã bị hiểu sai. Tổng thống Trump sau đó cũng cho hay ông muốn USD mạnh.
Song nhà phân tích Arthur Kroeber tại hãng nghiên cứu Gavekal cho biết các nhà giao dịch tiền tệ nên hoài nghi về bình luận của Tổng thống Mỹ. Trong lưu ý gửi đến khách hàng, ông Kroeber chỉ ra rằng ông Trump muốn giảm thâm hụt thương mại Mỹ với nhiều nước khác. USD sẽ phải giảm thêm nữa để cắt giảm đáng kể thâm hụt tài khoản vãng lai. Chuyên gia tiền tệ Viraj Patel tại ngân hàng đầu tư ING cho biết chính sách, đặc biệt là chính sách thương mại, của ông Trump rất khó đoán và việc này cũng góp phần khiến đô la Mỹ trượt giá.
Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản trong tuần này có bài viết: Chiến tranh tiền tệ của ông Trump làm tăng rủi ro cho châu Á. Nhà phân tích Tom Holland ở Gavekal cho hay quyết tâm bình luận để USD giảm giá có thể khiến nội tệ Mỹ tiếp tục giữ giá thấp so với các đồng tiền chính khác. Các thị trường có thể đang tiến về giai đoạn mà sự thiếu chắc chắn và biến động tăng cao, vì các chính trị gia và ngân hàng trung ương châu Âu, châu Á cũng đang cố đẩy giá nội tệ đi xuống.
Dù vậy, không phải tất cả các nhà quan sát thị trường đều đồng ý với nhận định Mỹ cố tình để giá USD thấp hơn. Họ chỉ ra rằng đà phát triển của các nền kinh tế châu Âu như Đức, Pháp khiến một số nhà đầu tư chuyển sang EUR thay vì USD. Nhiều người cho rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm chương trình mua trái phiếu sớm hơn dự kiến, thúc đẩy lợi tức trái phiếu châu Âu, giúp EUR hấp dẫn hơn.
Thêm vào đó, ông Trump có thể sẽ phải lo khi USD giảm giá quá mức. Nếu USD quá yếu, các nhà đầu tư giữ trái phiếu sẽ đòi hỏi Mỹ tăng lãi suất, khiến nợ Mỹ tăng cao hơn. Từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều ngân hàng trung ương bỏ đường lối chính sách tiêu cực đến các nước khác, mà hướng đến việc hợp tác, làm việc cùng nhau. Không nước nào muốn có cuộc chiến tiền tệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.