Theo bài viết được The Wall Street Journal đăng sáng nay 30.1 (giờ Việt Nam), cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) làm thiệt mạng 3 quân nhân của lực lượng Mỹ tại một căn cứ, được gọi là Tháp 22, ở Jordan ngày 28.1 đã dẫn đến lời kêu gọi phản ứng cứng rắn chống lại Iran, dù Tehran đã phủ nhận có liên quan.
Mỹ cáo buộc những nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn đứng sau vụ tấn công nói trên. Cho đến nay chưa có nhóm ủng hộ Tehran nào ở Iraq, Syria hay Yemen lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq ngày 28.1 tuyên bố đã tiến hành ba cuộc tấn công bằng UAV vào một số căn cứ ở Syria, trong đó có khu vực gần biên giới Jordan, theo AFP.
Trong việc tìm kiếm một phản ứng thích hợp, Nhà Trắng phải cân nhắc mong muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, áp lực của quốc hội Mỹ về hành động quyết đoán, cũng như mong muốn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tránh ngăn chặn gây ra một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.
Tuy chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách ngăn chặn cuộc xung đột Hamas - Israel ở Dải Gaza leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực, các quan chức hàng đầu của Mỹ trước đó đã cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả những cuộc tấn công gây tổn hại cho binh sĩ Mỹ. Nhà Trắng ngày 29.1 cũng đã tuyên bố sẽ có đáp trả đối với vụ tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ ở Jordan ngày 28.1.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết hành động sau cái chết của 3 lính Mỹ
Cho đến nay, các quan chức Mỹ vẫn chưa xem xét trước phản ứng của họ, nhưng có ít nhất ba nhóm lựa chọn mà Mỹ hiện có trong kho vũ khí của mình, theo The Wall Street Journal.
Tấn công vào lãnh thổ hoặc vùng biển Iran
Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ đang kêu gọi tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (1981-1989) đã tấn công tàu Iran và giàn khoan dầu ngoài khơi để trả đũa việc Tehran cho thủy lôi nổ nhắm vào một tàu chiến Mỹ vào tháng 7.1987, nhưng quân đội Mỹ chưa từng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Iran.
Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng dẫn đầu chiến dịch "gây sức ép tối đa" chống lại Iran trong thời gian ông còn ở Nhà Trắng, đã lên kế hoạch nhưng sau đó hủy bỏ các cuộc tấn công trực tiếp vào Iran trong năm 2019 sau khi Tehran bắn hạ một UAV giám sát của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Biden đã tìm kiếm một cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Iran, giảm đáng kể khả năng xảy ra một cuộc tấn công bên trong Iran hoặc lãnh hải nước này. Nhưng trong năm bầu cử, chính quyền Tổng thống Biden có nguy cơ bị xem là yếu thế trước Iran nếu không đưa ra phản ứng mạnh mẽ sau cái chết của 3 binh sĩ Mỹ, theo giới phân tích.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công trực tiếp vào Iran có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực, trong khi Nhà Trắng cho hay họ muốn tránh tình trạng như thế. "Chúng tôi không muốn có một cuộc chiến tranh với Iran", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh hôm 29.1.
Tấn công vào các nhóm ủy nhiệm của Iran
Mỹ có thể đáp trả tương xứng bằng cách nhắm vào "trục kháng cự", mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp khu vực, thay vì nhắm vào Tehran.
Chính quyền Tổng thống Biden có thể chọn trong số một loạt các phương án mà không cần tấn công trực tiếp vào Iran, chẳng hạn như tấn công lực lượng bán quân sự Quds của Iran ở Syria, Iraq và Yemen, tấn công tàu Iran trên biển hoặc tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq.
"Họ sẽ tấn công các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq", phát ngôn viên Hamid Hosseini của liên minh các nhà xuất khẩu dầu mỏ Iran, dự đoán. Một quan chức Iran cũng cho hay ông không dự đoán có bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ Iran. "Nhưng sẽ có các cuộc tấn công vào lực lượng dân quân thân Iran", vị quan chức dự đoán, đồng thời cảnh báo rằng các cuộc tấn công như thế sẽ "thúc đẩy một vòng xoáy trả thù có thể vượt khỏi tầm kiểm soát".
The Wall Street Journal dẫn lời một cố vấn tình báo Mỹ cho rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Deir ez-Zor và những khu vực khác ở Đông Syria đứng đầu danh sách các cuộc tấn công của Mỹ và những hoạt động của họ bị giám sát chặt chẽ bởi UAV và vệ tinh.
Israel lại tấn công nhóm cố vấn Iran tại Syria
Đòn trả đũa gần đây nhất của chính quyền Mỹ diễn ra vào ngày 24.1, khi Mỹ tấn công ba cơ sở thuộc nhóm Kataib Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Iraq. Nhóm này bị tố đứng đằng sau nhiều cuộc tấn công vào quân đội Mỹ, trong đó có một vụ nhắm vào căn cứ Al-Asad ở Iraq.
Tăng cường thực thi các biện pháp cấm vận
Tuy Iran đã bị cấm vận nặng nề, Washington vẫn còn có thể tiến hành thêm các biện pháp trả đũa liên quan kinh tế đối với Tehran. Một số quan chức phương Tây cho hay Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Iran, nhưng không phải tất cả lệnh đó đều được thi hành.
Những biện pháp cấm vận hiện tại của Mỹ nhằm buộc Iran phải tuân thủ chương trình hạt nhân của mình, ngăn chặn sự phát triển tên lửa đạn đạo của nước này và hạn chế khả năng của Tehran trong việc tài trợ những hoạt động bị cho là gây bất ổn trong khu vực thông qua hàng loạt lực lượng ủy nhiệm. Tuy nhiên, Tehran được cho là đã phát triển một hệ thống tài chính và thương mại quốc tế giúp bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi các biện pháp trừng phạt liên quan tài chính.
Dù vậy, một số nhà lập pháp và cựu quan chức an ninh Mỹ cho rằng Washington có thể tăng cường thực thi các lệnh cấm vận hiện có, đặc biệt là làm gián đoạn hoạt động bán năng lượng và trừng phạt các công ty và ngân hàng nước ngoài đang hỗ trợ Iran.
Một lựa chọn khác Mỹ có thể dùng để trả đũa cuộc tấn công ngày 28.1 là tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây nhằm áp dụng những biện pháp cấm vận trên diện rộng mà Mỹ đã áp dụng đối với nền kinh tế Iran.
Bình luận (0)