Mặc dù Mỹ chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng kinh tế của thế giới, nhưng hơn một nửa tổng lượng dự trữ ngoại tệ và thương mại toàn cầu đều được quy về đồng bạc xanh. Đây là kết quả của hiệp ước Bretton Woods năm 1944, theo đó tất cả các quốc gia cố định giá trị đồng tiền của mình với đồng USD gắn với vàng; và cú sốc Nixon năm 1971 khi Tổng thống khi đó Richard Nixon rút Mỹ ra khỏi hệ thống tiền tệ Bretton Woods, thả nổi đồng USD dao động với các đồng tiền khác. Quyết định này sau đó đã giúp Mỹ kiểm soát việc cung cấp tiền tệ.
Vai trò then chốt của đồng USD cho phép Mỹ dễ dàng hỗ trợ tài chính trong tình trạng thâm hụt thương mại và ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, Mỹ còn được bảo vệ khỏi khủng hoảng cán cân thanh toán, bởi vì nước này nhập khẩu và làm dịch vụ bằng cách vay chính đồng nội tệ của mình. Chính sách tiền tệ của Mỹ, chẳng hạn như nới lỏng định lượng, có thể gây ảnh hưởng đến giá trị của đồng USD nhằm giúp Mỹ đạt được lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, sức mạnh thực sự của đồng tiền quyền lực này nằm ở mối quan hệ của nó với các chương trình trừng phạt. Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (International Emergency Economic Powers Act), Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) và Đạo luật Thương mại với kẻ thù (Trading With the Enemy Act) đã cho phép Washington vũ khí hóa các luồng thanh toán. Ngoài ra, khi kết hợp với quyền tiếp cận dữ liệu có được từ Swift, hệ thống nhắn tin toàn cầu của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, Mỹ còn cho thấy khả năng kiểm soát chưa từng có đối với mọi hoạt động kinh tế trên thế giới.
tin liên quan
Mỹ mời Trung Quốc khởi động lại đàm phán thương mạiMỹ có quyền xử phạt nhắm vào cá nhân, thực thể, tổ chức, chế độ hoặc toàn bộ quốc gia và đưa ra lệnh trừng phạt thứ cấp các tập đoàn, tổ chức tài chính và cá nhân nước ngoài giao dịch với những đối tượng bị trừng phạt.
Bất kỳ hoạt động thanh toán nào bằng đồng USD đi qua ngân hàng hoặc hệ thống thanh toán của Mỹ đều cung cấp thông tin liên hệ cần thiết để nước này truy tố người phạm tội hoặc hành vi gây tổn hại đến tài sản của người Mỹ. Điều đó mang lại cho Mỹ khả năng tiếp cận ngoại vi đối với cả những giao dịch không phải của công dân Mỹ với bên bị xử phạt. Một khi đã bị Mỹ truy tố, đối tượng có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng mất ổn định tài chính, thương mại, tiền tệ và hiệu quả kinh doanh bị phá vỡ.
Nguy cơ đó là có thật. Theo Bloomberg, BNP Paribas, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Pháp, đã phải trả 9 tỉ USD tiền phạt và bị đình chỉ thanh toán bù trừ bằng đồng USD trong một năm vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Cuba và Sudan. Hàng loạt ngân hàng và hãng tài chính lớn khác, bao gồm HSBC, Standard Chartered, Commerzbank AG và Clearstream Banking SA cũng đã phải trả tiền phạt cho những vi phạm tương tự.
Biện pháp trừng phạt thứ cấp đã khiến United Co. Rusal gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn thông qua những khoản vay bằng đồng USD khi các doanh nghiệp, ngân hàng và sàn giao dịch toàn cầu buộc phải ngừng giao thương với hãng nhôm lớn thứ hai thế giới về sản lượng có trụ sở tại Nga. Trái phiếu và cổ phiếu của Rusal giảm mạnh, cho dù công ty chỉ bán khoảng 14% sản phẩm ở Mỹ, không sử dụng các ngân hàng Mỹ và được niêm yết tại Moscow, Hồng Kông.
ZTE cũng là trường hợp điển hình khác gặp họa từ lệnh trừng phạt thứ cấp của Washington vì giao dịch với Triều Tiên và Iran. Tháng 4.2018, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm tất cả công ty trong nước cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho ZTE. Lệnh cấm đã khiến hoạt động kinh doanh của hãng điện tử Trung Quốc gần như tê liệt ngay sau đó.
Hiện cả Trung Quốc, Nga và châu Âu ngày càng mong muốn có một hệ thống tiền tệ dự trữ thay thế. Tuy nhiên, thay thế ngay lập tức vai trò của đồng USD là việc không hề đơn giản.
Đầu tiên, đồng euro, đồng yen, đồng nhân dân tệ và đồng rúp đều không phải là lựa chọn thực tế. Tính ổn định và tương lai lâu dài của đồng euro không được đảm bảo. Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản vẫn bị mắc kẹt trong hai thập niên tăng trưởng trì trệ. Đồng nhân dân tệ không hoàn toàn có khả năng chuyển đổi.
Thứ hai, rất khó để thay đổi cơ sở hạ tầng. Thị trường ngoại hối nơi đồng bạc xanh là đồng tiền tham chiếu sẽ phải được cơ cấu lại từ nền tảng. Chưa kể thị trường tiền thanh khoản và thị trường cổ phiếu không thể đập đi làm lại chỉ sau một đêm.
Thứ ba, hầu hết các ứng cử viên đều lưỡng lự trong việc đảm nhận vai trò của đồng tiền dự trữ toàn cầu vì những căng thẳng giữa chính sách quốc gia và chính sách kinh tế toàn cầu. Theo nhà kinh tế học Robert Triffin, quốc gia có tỷ giá hối đoái là đồng tiền dự trữ toàn cầu phải đáp ứng được nhu cầu cho giao dịch ngoại hối bên ngoài. Để làm được điều này bắt buộc phải kiểm soát thâm hụt thương mại lớn và đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong chính sách thương mại của Đức, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện tại chỉ Mỹ mới có khả năng thực hiện nhiệm vụ đó.
Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng đồng USD để hỗ trợ xa hơn cho các mục tiêu thương mại, tài chính và địa chính trị của mình, theo cách thức vượt ra ngoài các bộ luật và định chế quốc tế mà không cần tới những chiến dịch quân sự lộn xộn, khó đoán trước.
Có lẽ, tất cả những gì phải nói về đồng bạc xanh điều được ông John Connally Jr., Bộ trưởng Ngân khố Mỹ dưới thời Tổng thống Richard Nixon, gói gọn chỉ trong một lời: “Đồng USD là tiền tệ của chúng tôi, nhưng là vấn đề của bạn”.
Bình luận (0)