Yêu cầu trên đến vào thời điểm xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ngày càng trở nên sâu sắc. Tuần trước, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã “sẵn sàng” áp thuế lên 267 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ. Về phần mình, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa nếu Washington thực hiện bất cứ bước đi mới nào về thương mại.
Trung Quốc viện dẫn lý do Mỹ không tuân thủ phán quyết trong một tranh chấp về thuế bán phá giá để đề nghị được trừng phạt đối thủ thương mại. Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ xin phép chính thức tại cuộc họp đặc biệt của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO vào ngày 21.9.2018. Có khả năng sẽ mất nhiều năm để tranh chấp pháp lý này được giải quyết.
Đây không phải là lần đầu tiên quốc gia Đông Á khởi xướng tranh chấp với Mỹ. Năm 2013, Trung Quốc đã phàn nàn về thuế bán phá giá của Mỹ có liên quan đến một số ngành công nghiệp bao gồm máy móc và điện tử, công nghiệp nhẹ, kim loại và khoáng sản, với giá trị xuất khẩu hằng năm lên đến 8,4 tỉ USD.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không đồng tình với cách tính toán số lượng “bán phá giá” của Bộ Thương mại Mỹ, theo đó hàng xuất khẩu của Trung Quốc thường bị Washington cho là đã phá giá để cạnh tranh với hàng hóa do Mỹ sản xuất ngay trên thị trường Mỹ. Bắc Kinh đã đưa vụ tranh chấp lên WTO và thắng kiện vào năm 2016. Tòa kháng nghị của WTO trong năm ngoái đã xác nhận lại phán quyết này.
Những năm gần đây, phương pháp “quy về mức 0” của Mỹ, cách tính có xu hướng tăng mức thuế chống bán phá giá lên sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đã liên tục bị quy kết là bất hợp pháp trong một loạt các tranh chấp thương mại được đệ trình lên WTO. Điều đó khiến ông Trump không hài lòng. Tháng trước, ông Trump cảnh báo sẽ sớm rút Mỹ ra khỏi WTO nếu cơ quan này “không sửa đổi” hệ thống pháp lý.
Bình luận (0)