(TNO) Kinh tế Mỹ đang có sự phát triển ấn tượng, song cũng phải nói việc các nền kinh tế hùng mạnh khác cùng “rủ nhau” sa sút đã góp phần không nhỏ đưa Mỹ trở lại tư thế dẫn đầu, National Interest nhận định về việc Mỹ trở lại làm bá chủ kinh tế thế giới.
Tổng thống Mỹ Obama đã có một năm thành công về kinh tế - Ảnh: Reuters
|
Trải qua một năm đầy biến động của thế giới, với đỉnh điểm là hàng loạt quốc gia/lãnh thổ đang “khốn đốn” vì giá dầu, nước Mỹ sẽ lại là nguồn động lực lớn nhất cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Đó là nhận định của những trang tin nổi tiếng như Bloomberg, National Interest hay Business Spectator. Sau 15 năm chứng kiến sự vươn lên không ngừng của Trung Quốc cũng như nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICs (tức Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), Mỹ đã lại là nước phát triển kinh tế số một thế giới.
Những tín hiệu ấn tượng
Bloomberg ngày 12.1 đưa dự đoán của các nhà kinh tế thuộc những dịch vụ kinh tế - tài chính như JPMorgan Chase & Co., Deutsche Bank AG và BNP Paribas SA cho thấy Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 3,2% trong năm 2015. Đây là mức tăng trưởng kinh tế lớn nhất của Washington từ năm 2005 và là lần đầu tiên kể từ 1999, Mỹ không tụt lại phía sau sự tăng trưởng toàn cầu, theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Kết quả này là sự phản ánh của việc Mỹ đang “bùng nổ” nhu cầu việc làm với khoảng 3 triệu người tìm được việc làm trong năm 2014, kỷ lục của 15 năm qua.
Bộ Lao động Mỹ ngày 9.1 cho biết tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tụt xuống mức 5,6%, thấp nhất từ tháng 6.2008, đồng thời bảng lương đã tăng 252.000 trong tháng 12 qua.
Song song với việc làm, người dân Mỹ cũng được tạo điều kiện chi tiêu mạnh mẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển thêm, một điểm rất tương phản với tình trạng giảm phát, chi tiêu ít ỏi của kinh tế châu Âu.
Cụ thể, Hiệp hội Ngân hàng Mỹ cho biết lãi suất cho vay tiêu dùng đã giảm kỷ lục chỉ còn 1,51% trong quý thứ 3 của năm 2014. Điều này dẫn đến việc chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 11 qua, đạt mức gấp đôi thông số của tháng 10. Trong đó, cả mặt hàng "xa xỉ” như các phương tiện vận tải nhẹ bao gồm xe hơi đã đạt doanh số 16,5 triệu USD trong năm 2014, cao nhất kể từ 2006.
Trong năm 2013, chi tiêu tiêu dùng cá nhân của người Mỹ cán mốc 11.500 tỉ USD. Đây là con số lớn hơn bất kỳ GDP của bất kỳ quốc gia nào trong thời điểm ấy, bao gồm cả Trung Quốc, theo IMF.
Mỹ tạo ra ánh sáng le lói về kinh tế trong một năm ảm đạm trên thế giới - Ảnh: Reuters
|
Anh hùng thời loạn
Theo Bloomberg, sự tăng trưởng của Mỹ thể hiện ở chi tiêu và việc làm trong nước, có sự đóng góp lớn của việc giá nhiên liệu sụt giảm thời gian qua. Như vậy, trong lúc BRICs và châu Âu đang khó khăn với giá dầu, thì Mỹ lại vươn lên do kiểm soát được sự phụ thuộc vào điều này.
Chính vì lẽ đó, trang National Interest cho rằng Mỹ có phát triển ấn tượng, song cũng phải nói việc các nền kinh tế hùng mạnh khác cùng “rủ nhau” sa sút đã góp phần không nhỏ đưa Mỹ trở lại tư thế dẫn đầu.
“Rất khó để các nước thuộc BRICs có thể tái lập sự phát triển như 10 năm qua”, nhà kinh tế Jim O’Neill từng làm việc tại tập đoàn Goldman Sachs cho biết. Theo đó, ông nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc đều đang ở vào giai đoạn phát triển chậm lại, bên cạnh phải giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng như cải cách kinh tế.
Trong khi đó, National Interest khẳng định Trung Quốc và châu Âu có thể sẽ là tác nhân kéo kinh tế Mỹ đi xuống chút ít vì những mối liên hệ sâu sắc giữa 3 nền kinh tế này.
Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã đưa ra dự đoán năm 2015 giá nhà đất của nước này sẽ tiếp tục giảm, và có thể phải chuyển trọng tâm sang kinh tế hàng hóa. Và như vậy, không loại trừ khả năng Trung Quốc cũng sẽ giống châu Âu, tức đối mặt với vấn đề giảm phát do giá nhiên liệu tụt sâu và tâm lý bất an của người tiêu dùng.
Bình luận (0)