Philippines vài chục năm nay vẫn được xem là đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ lúc ông Rodrigo Duterte nắm quyền ở Philippines từ cuối tháng 6. Mỹ đã cố gắng giảm nhẹ những lời lẽ thù địch của ông Duterte, thậm chí có phần bỏ qua câu chuyện lăng mạ ông Obama, nhưng hiện nay tuyên bố “chia tay” của ông Duterte ngày 20.10 dường như đặt ra giới hạn mới cho quan hệ hai nước.
Nhân tố rạn nứt
Ngày 21.10, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez có động thái đính chính một phần tuyên bố “chia tay” của Tổng thống Duterte, khi khẳng định với CNN rằng Philippines vẫn giữ hợp tác thương mại chặt chẽ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
tin liên quan
Philippines bắt tay Trung QuốcĐó không phải lần đầu tiên từ Bộ trưởng Quốc phòng cho đến Ngoại trưởng Philippines phải ra sức “chỉnh” lại các phát biểu của ngài Tổng thống 71 tuổi. Trong suốt hơn 3 tháng nắm quyền, ông Duterte đã nhiều lần tạo ra rạn nứt cho quan hệ Philippines - Mỹ, dù có vẻ như các quan chức trong chính quyền của ông không muốn điều này xảy ra.
Bên cạnh những câu nói mang tính nhục mạ đại sứ Mỹ và Tổng thống Obama trước đây, ông Duterte cũng đặc biệt tỏ ra quyết liệt khi nói đến những cáo buộc vi phạm nhân quyền từ Mỹ và châu Âu, xung quanh cuộc chiến chống ma túy làm hơn 3.000 người thiệt mạng.
Nhưng đáng lo hơn hết là một động thái “xoay trục” của Philippines sang Trung Quốc. Truyền thông Mỹ đã nói tới vấn đề này nhiều hơn trong thời gian gần đây, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á, trong đó Philippines cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc là những đồng minh thân cận nhất.
Thế khó của người Mỹ
Hãng tin Reuters trong bài viết ngày 21.10 cho hay, các quan chức Mỹ đang có một cuộc tranh luận nội bộ trong những quyết định đưa ra phản ứng phù hợp với các lần ông Duterte bày tỏ thái độ khó chấp nhận.
Có thể thấy cứ khi ông Duterte phát ngôn gây sốc thì các quan chức Philippines, thậm chí cả chính ông Duterte, sau đó lại có biểu hiện xoa dịu, giải thích. Reuters nói rằng các quan chức Mỹ nhận định ông Duterte có tính cách và hành động quá khó đoán, nên chính quyền của Tổng thống Obama lựa chọn cách tiếp cận vấn đề mềm mỏng.
“Có vẻ như chẳng ích gì khi nói ra, vì trong giây phút bạn phản ứng lại, ông ấy (Duterte) sẽ tuôn ra những lời thô tục. Tôi nghĩ đối với Mỹ, việc chỉ trích ông Duterte liên tục sẽ không mấy hiệu quả”, ông Murray Hiebert, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận xét.
Ngoài ra, phía Mỹ tiết lộ rằng họ cũng “bắt bài” ông Duterte ở khả năng rất có thể cựu thị trưởng của thành phố Davao này muốn tạo ra một màn đặt cược cho Mỹ và Trung Quốc, bằng cách chỉ tập trung vào lợi ích của chính mình để hai cường quốc này mặc cả.
|
“Không nghi ngờ gì khi ông Duterte... đang thử chơi trò chơi nhàm chán bằng cách sử dụng chúng tôi để chống lại Trung Quốc”, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên.
Việc chưa nắm rõ Philippines khiến Mỹ dè dặt trong phát ngôn. Lấy ví dụ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm 20.10 khẳng định Washington đang lắng nghe lời giải thích từ tuyên bố “chia tay” của ông Duterte ở Bắc Kinh, nhưng lại hạn chế ngôn từ và chỉ diễn tả lời lẽ của ông Duterte là “khó hiểu” và “mâu thuẫn một cách không thể giải thích” với quan hệ Washington - Manila lâu nay.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã quyết định thăm Philippines cuối tuần này, và cho biết sẽ tìm cách hỏi rõ mọi ý kiến từ Tổng thống Philippines. Câu chuyện sẽ có khả năng xấu nhất là Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho Philippines nếu các cáo buộc giết người trong chiến dịch ma túy không được giải quyết ổn thỏa.
Mặc dù vậy, như các động thái trước đây, ông Duterte bày tỏ khuynh hướng sẵn sàng tách khỏi sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ bằng cách hợp tác với Nga và Trung Quốc. Thêm vào đó, cuộc biểu tình, đốt cờ Mỹ của một bộ phận người dân tại thủ đô Manila ngày 21.10 chứng tỏ quan hệ Mỹ - Philippines đang rất nan giải.
Bình luận (0)