Liên quan lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson trả lời báo giới rằng “Chúng tôi biết vẫn chưa có mối đe dọa cụ thể. Tuy nhiên hoạt động của các tổ chức khủng bố hoàn toàn khác biệt kể từ năm 2013, khi Tổng thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2. Chúng tôi lo ngại chủ nghĩa cực đoan nội địa và hành động của một số cá nhân tự chuyển hóa thành phần tử cực đoan”.
Ông Johnson trả lời tại một cơ sở thông tin liên lạc ở phía tây thủ đô Washington, nơi gần 50 cơ quan của Mỹ sẽ phối hợp để đảm bảo an ninh cho buổi lễ nhậm chức, theo AFP.
Các quan chức Mỹ luôn cảnh giác trước âm mưu tấn công khủng bố của mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng trong những năm gần đây Mỹ hứng chịu nhiều vụ tấn công do những cá nhân trong nước thực hiện, làm theo chỉ thị của các tổ chức khủng bố nước ngoài.
tin liên quan
Đại biểu tình phản đối lễ nhậm chức tổng thống MỹTheo AFP ngày 14.1, hàng trăm ngàn người chuẩn bị đổ về thủ đô Washington D.C vào tuần sau để phản đối Tổng thống đắc cử Mỹ Trump trong đợt lễ nhậm chức.
Kế hoạch đảm bảo an ninh
Theo ông Johnson, khoảng 28.000 nhân viên an ninh - bao gồm nhân viên của cơ quan Mật vụ Mỹ, Vệ binh Quốc gia, Cục điều tra liên bang (FBI) và lực lượng cảnh sát các khu vực - sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh cho các sự kiện trong ngày 20.1.
Các sự kiện ngày 20.1 bắt đầu bằng lễ đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang quốc gia Arlington, sau đó là lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump tại Tòa nhà Quốc hội và lễ diễu hành nhậm chức từ Tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng, cùng một số hoạt động khác.
Những sự kiện này đều có nguy cơ bị tấn công, nhất là lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump, với sự tham dự của các cựu tổng thống và nhiều quan chức cấp cao tại khu vực phía tây Tòa nhà Quốc hội. Lễ diễu hành nhậm chức truyền thống trên đại lộ Pennsylvania từ Tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng cũng là một thách thức về an ninh.
Các tấm chắn chống đạn sẽ được dùng để bảo vệ các quan chức. Lực lượng hữu trách sẽ bố trí lính bắn tỉa trên nóc các tòa nhà, cùng nhiều biện pháp an ninh khác.
Hồi năm 1977, ông Jimmy Carter lúc nhậm chức tổng thống đã khiến nước Mỹ ngạc nhiên khi đi bộ cả đoạn đường dài 1,8 km. Nhưng kể từ đó, đa số các tân tổng thống chỉ đi bộ một quãng đường ngắn do cơ quan Mật vụ Mỹ cảnh báo có nhiều nguy cơ tấn công nhắm vào lễ diễu hành.
Ông Johnson cho hay các cơ quan an ninh Mỹ ước tính có khoảng 700.000 - 900.000 người tham gia các sự kiện trong ngày 20.1, bao gồm ít nhất 99 tổ chức lên kế hoạch biểu tình phản đối ông Trump. Tuy nhiên những cuộc biểu tình chỉ được phép tiến hành với quy mô nhỏ.
Một khu vực rộng 7 km2 ở trung tâm thủ đô Washington sẽ bị phong tỏa, cấm các phương tiện giao thông, và những ai đi bộ vào khu vực này sẽ bị kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.
|
Nguy cơ tấn công bằng xe tải, UAV
Theo ông Johnson, các quan chức lo ngại nguy cơ tấn công bằng xe tải sau hai vụ các phần tử cực đoan dùng xe tải tông vào đám đông khiến hàng chục người chết ở châu Âu trong năm 2016 (đều do IS lên tiếng nhận trách nhiệm). Do vậy, chính phủ Mỹ tăng các biện pháp đảm bảo an ninh nhằm ngăn chặn những vụ tấn công tương tự ở thủ đô Washington.
Lực lượng an ninh Mỹ cũng triển khai các xe tải hạng nặng, xe buýt và những loại xe khác để kịp thời ngăn chặn những vụ tấn công bằng xe tải, ông Johnson cho hay.
UAV cũng bị cấm bay trên bầu trời Washington, và “chúng tôi có sẵn công nghệ để ngăn chặn những vụ tấn công bằng UAV”, ông Johnson cho hay, nhưng không công bố thêm chi tiết.
Bình luận (0)