Mỹ "đi dây" trong chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine

11/05/2022 15:23 GMT+7

Chính quyền Mỹ đã phản bác thông tin rằng tình báo nước này trợ giúp Ukraine tiêu diệt tướng lĩnh và tàu chiến Nga, song vẫn phải đối mặt với những suy đoán về việc liệu Washington có thể can dự sâu tới mức nào.

Hai tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày càng tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Kyiv. Song nỗ lực này đang đặt ra câu hỏi về việc Nhà Trắng sẵn sàng đi bao xa để giúp Ukraine chống lại Nga nhưng đồng thời tránh làm Moscow cảm thấy bị khiêu khích.

Các quan chức chính quyền khẳng định có những giới hạn rõ ràng đối với thông tin tình báo mà nước này chia sẻ với Ukraine, bao gồm việc không cung cấp thông tin nhắm mục tiêu chính xác vào các lãnh đạo cấp cao cụ thể của Nga. Đây là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm tránh vượt qua ranh giới mà Moscow có thể coi là leo thang quá mức.

Tuy nhiên, một số quan chức hiện tại và trước đây cho rằng các giới hạn mà chính quyền Biden có thể đang bị vi phạm, và việc giới tình báo Mỹ chức hé lộ về vai trò của họ trong các cuộc tấn công của Ukraine là hành động không khôn ngoan.

Hành động "không khôn ngoan"

Trong hai ngày 4 và 5.5, truyền thông Mỹ liên tiếp loan tin về việc tình báo Mỹ đã cung cấp thông tin giúp Ukraine tiêu diệt các tướng lĩnh cũng như tàu Moskva của Nga ở biển Đen, dẫn các nguồn tin trong ngành. Chính quyền Biden đã lên tiếng phủ nhận, khẳng định Washington chia sẻ thông tin tình báo với Kyiv nhưng không cung cấp thông tin với ý định giết người.

Tàu Moskva của Nga chìm trên Biển Đen.

chụp màn hình twitter

"Thông tin tình báo mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine là hợp pháp. Việc chia sẻ là chính đáng và có giới hạn. Và chúng tôi rất cẩn thận trong việc chia sẻ gì hay chia sẻ khi nào", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với đài CNN.

Nhà Trắng dường như lo ngại về tác động của những thông tin như vậy trên báo chí Mỹ. Trong một cuộc gọi với các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ hôm 6.5, Tổng thống Biden nói tin tức đã gây ra "tác dụng ngược" và yêu cầu chấm dứt việc tiết lộ thông tin với báo giới vì việc này "xa rời các mục tiêu của chúng ta".

Giới hạn nào cho Mỹ trong chia sẻ thông tin tình báo giúp Ukraine kháng cự Nga?

Đối với một số cựu quan chức, không có nhiều khác biệt giữa việc tiết lộ và giữ kín vì "mọi người đều biết chúng ta đang chia sẻ thông tin tình báo".

"Chúng ta cung cấp thông tin tình báo nhắm mục tiêu cho pháo binh, cho các hệ thống khác mà người Ukraine đang sử dụng, và vì vậy, tôi không coi đây là một sự leo thang trong mối quan hệ", cựu Bộ trưởng Quốc phòng và cựu Giám đốc CIA Leon Panetta nói với CNN. "Về cơ bản, tôi thấy đây là việc duy trì mối quan hệ mà chúng ta đã thiết lập vào đầu cuộc chiến này".

Ông Panetta nói thêm: "Rõ ràng là chúng ta cung cấp các hệ thống tên lửa, chúng ta cung cấp pháo, chúng ta cung cấp Stingers và các loại vũ khí khác, nhưng chính Ukraine mới là người quyết định cách sử dụng chúng và mục tiêu nào để bắn. Và nói thẳng ra, chiến tranh chính là như vậy".

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

afp

Tuy nhiên, một số cựu quan chức khác khuyên những người kế nhiệm đang tại vị nên im lặng và ngừng khoe khoang về vai trò của họ đối với những thành công quân sự của Ukraine, nếu không muốn chứng kiến những hậu quả khó lường.

Paul Pillar, cựu quan chức cấp cao của CIA, cho biết trên báo The Guardian: "Theo quan điểm cá nhân của tôi, làm như vậy là không khôn ngoan. Tôi ngạc nhiên về mức độ xác nhận của các quan chức về vai trò của tình báo Mỹ trong vụ chìm tàu ​Moskva, và thậm chí ngạc nhiên hơn thế trong vụ các tướng lĩnh bị giết".

Lo lắng của ông Pillar là việc này có thể kích động Tổng thống Nga Vladimir Putin leo thang xung đột theo cách mà nhà lãnh đạo có thể không cảm thấy cần thiết trong những trường hợp khác.

Một quan chức châu Âu giấu tên thậm chí nói với The Guardian rằng việc tiết lộ thông tin của giới chức tình báo Mỹ là "ngu ngốc" và đó không phải là "vụ rò rỉ được tính toán cẩn thận".

Suy đoán về phản ứng của Nga

Cho đến nay, Nga vẫn chưa có bất kỳ hành động trực tiếp nào nhằm vào Mỹ hoặc NATO để phản ứng việc các nước này hỗ trợ Ukraine về vũ khí và tình báo.

Các quan chức Mỹ đã suy đoán lý do tại sao Moscow chưa hành động, chẳng hạn như tấn công mạng, việc mà Mỹ đã cảnh báo trước cuộc chiến là Nga có thể thực hiện theo kiểu "ăn miếng trả miếng" với Mỹ. Nga cũng không có động thái nhằm vào Kyiv trong chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ, từ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng LLoyd Austin.

Bà Nancy Pelosi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv hôm 30.4

văn phòng tổng thống ukraine

Và Nga chắc chắn đã không cố gắng tấn công các chuyến hàng vũ khí đi qua Ba Lan, một quốc gia NATO. Chỉ gần đây, Nga mới bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tuyến đường sắt bên trong Ukraine được cho là đang vận chuyển vũ khí của phương Tây.

Một số quan chức phương Tây hiện tại và cựu quan chức cho rằng có thể Điện Kremlin, cũng như Nhà Trắng, đều đang cảnh giác về nguy cơ leo thang, đồng thời nhận thức sâu sắc rằng ít nhất khi nói đến sức mạnh quân sự thông thường, Mỹ có nhiều lợi thế rõ rệt so với Nga.

Các nguồn tin cho biết Nga có thể đang kiềm chế tấn công mạng Mỹ vì lo ngại rằng Mỹ sẽ đáp trả bằng hành động tương tự, tạo ra thêm thách thức cho Moscow trong chiến sự tại Ukraine. Nga cũng có thể đang đề phòng và chuẩn bị cho trường hợp nước này xảy ra xung đột trực tiếp với Mỹ hoặc NATO.

Một số quan chức tin rằng năng lực của Nga cũng có thể là nguyên nhân. "Bạn không biết là Nga do dự về NATO hay là Nga thiếu năng lực", tướng về hưu Wesley Clark, nhà phân tích quân sự của CNN và là cựu chỉ huy tối cao quân đồng minh NATO, nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.