Nikkei dẫn nội dung một hồ sơ công khai cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), cơ quan đang xem xét thỏa thuận mua lại của Zoom, không được thực hiện bất kỳ hành động nào cho đến khi hoàn tất cuộc điều tra về “các mối quan hệ nước ngoài và quyền sở hữu” của các công ty.
Hồ sơ không nói cụ thể mối quan hệ nước ngoài nào làm dấy lên lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trong hai năm qua Zoom đã được theo dõi bảo mật đặc biệt ở Mỹ vì có liên kết với Trung Quốc. Hiện công ty phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra liên bang đang diễn ra liên quan đến các giao dịch với chính quyền Bắc Kinh.
“Việc mua lại phần mềm đám mây Five9 của Mỹ phải tuân theo phê duyệt quy định về viễn thông nhất định. Chúng tôi đã gửi hồ sơ tới các cơ quan quản lý hiện hành khác nhau và quy trình phê duyệt này đang diễn ra như mong đợi”, người phát ngôn của Zoom nói với Nikkei, đồng thời cho biết thêm công ty dự đoán sẽ nhận được các phê duyệt quy định bắt buộc để đóng giao dịch theo lịch trình vào nửa đầu năm 2022.
Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ được dẫn dắt bởi ủy ban đánh giá sự tham gia của nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông của Mỹ. Cơ quan này được thành lập vào tháng 4.2020 theo lệnh hành pháp của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ủy ban đã được trao quyền liên bang mở rộng để xem xét đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thong giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung lên đến đỉnh điểm.
Thành lập vào năm 2011 bởi kỹ sư người Mỹ gốc Trung Quốc Viên Chinh (Eric Yuan), Zoom đã phải nỗ lực rất nhiều để tách mình ra khỏi Bắc Kinh. Tuy nhiên, công ty vẫn bị chính quyền Washington theo dõi gắt gao vì yếu tố Trung Quốc của mình. Tháng 4.2020, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã gọi Zoom là “thực thể Trung Quốc”, sau khi công ty thừa nhận đã định tuyến nhầm dữ liệu của một số người dùng Mỹ thông qua các máy chủ ở đại lục.
Sau sự việc đó, Zoom đã đưa ra một loạt sáng kiến để cải thiện tính năng riêng tư và bảo mật, đồng thời xây dựng tường lửa ngăn cách dữ liệu người dùng Trung Quốc và Mỹ. Công ty cũng ngừng bán các sản phẩm mới hoặc nâng cấp trực tiếp cho khách hàng ở Trung Quốc vào tháng 8.2020, chỉ vài tháng sau khi ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng cá nhân ở nước này.
Theo hồ sơ mới nhất của Zoom, nhóm nghiên cứu và phát triển của công ty vẫn có “dấu ấn đáng kể” ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Zoom đã và đang mở rộng các cơ sở kỹ thuật ở Ấn Độ và Mỹ như một phần trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào đội ngũ có trụ sở tại Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về an ninh quốc gia của chính quyền Washington không ngừng gia tăng.
Bình luận (0)