Trên danh nghĩa, cuộc bỏ phiếu này được tiến hành bởi có ý kiến bất đồng với chính sách của chính quyền để ứng phó Covid-19, nhưng thực chất đây lại là chuyện thỏa thuận hòa giải giữa Kosovo và Serbia, vì thế động chạm đến lợi ích của EU và Mỹ.
Ai cũng biết không có sự hậu thuẫn của Mỹ, NATO và EU thì Kosovo không thể đơn phương tuyên bố độc lập và tách khỏi Serbia. EU và NATO muốn lôi kéo Kosovo và đặt điều kiện tiên quyết cho Serbia là phải có hòa ước với Kosovo mới có triển vọng gia nhập EU. NATO muốn thu nạp Kosovo nhưng chưa thể được nếu còn bất hòa giữa Serbia và Kosovo.
Ở Kosovo hiện có hai phe đối kháng trong chuyện này. Phe của người đứng đầu chính thể Kosovo, ông Hashim Thaci, muốn có hòa ước với Serbia, trong khi phái của ông Kurti lại muốn giằng co đến cùng với Serbia. Trong khi cả EU lẫn NATO đều chỉ đứng ngoài nhìn thì Mỹ lại sắm vai trò trung gian hòa giải thông qua Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell.
Ông Kurti bị bỏ phiếu bất tín nhiệm bởi phe ông Thaci muốn lập chính quyền mới theo mong muốn của Mỹ là nhanh chóng có hòa ước với Serbia. Một hòa ước như vậy sẽ được Tổng thống Donald Trump coi là thành quả đối ngoại lớn và ông cần nó cho cuộc vận động tái tranh cử. Điều đáng chú ý là Mỹ vừa can dự vào diễn biến nội bộ ở Kosovo, vừa không tham vấn hay phối hợp gì với các đồng minh và đối tác trong EU, NATO.
Bình luận (0)