Mỹ, Hàn đẩy mạnh ứng phó Triều Tiên

05/01/2017 09:40 GMT+7

Nhằm ứng phó tên lửa và vũ khí hạt nhân Triều Tiên, Hàn Quốc đang đẩy nhanh các kế hoạch phòng thủ và tấn công; còn Mỹ củng cố hệ thống chống tên lửa.

Ngày 4.1, Tổng thống tạm quyền kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn chỉ đạo các nhà hoạch định chính sách cấp cao tăng cường nỗ lực gây sức ép để buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa, theo Yonhap. “Năm nay là thời điểm quan trọng có thể trở thành cột mốc đáng chú ý trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên”, ông Hwang nhấn mạnh và lưu ý rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là thách thức an ninh lớn nhất đối với Hàn Quốc.
Theo ước tính mới nhất của Seoul, Bình Nhưỡng hiện sở hữu khoảng 40 kg plutonium cấp độ vũ khí, đủ để chế tạo 4 - 8 vũ khí hạt nhân.
Ưu tiên đánh chặn WMD
Cũng trong ngày 4.1, khi báo cáo về chính sách năm mới với Tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-ahn, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo nhấn mạnh quân đội đang ưu tiên tăng cường khả năng chống lại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên, trong đó có vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Theo đó, quân đội sẽ nỗ lực hoàn tất việc triển khai vũ khí tiên tiến trước vài năm so với kế hoạch ban đầu và đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống “3 trụ cột”. Hệ thống này, gồm hệ thống tấn công “chuỗi tiêu diệt”, Hệ thống tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD) và kế hoạch “Đáp trả và trừng phạt ồ ạt kiểu Hàn Quốc” (KMPR). Trong đó, hệ thống “chuỗi tiêu diệt” và KAMD được thiết kế để phát hiện, phá hủy tên lửa đến trong thời gian ngắn nhất có thể.
Còn KMPR sẽ được sử dụng cho việc tấn công giới lãnh đạo quân đội Triều Tiên nếu Seoul phát hiện có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Để có thể tấn công theo KMPR, Seoul lên kế hoạch huy động kho tên lửa đạn đạo đất đối đất. Trong đó có tên lửa đạn đạo Hyunmoo 2A, 2B và Hyunmoo 3, với tầm bắn tương ứng là 300, 500 và 1.000 km.
Dù Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chưa nói rõ về chính sách đối với Triều Tiên, một cố vấn của ông tin rằng “giai đoạn trừng phạt nặng” phải là “phần quan trọng của mọi cuộc thảo luận về những lựa chọn sẵn có”, theo Reuters.
Ông Victor Cha, từng là cố vấn cấp cao của cựu Tổng thống George W.Bush, cho rằng ông Trump sẽ nghiêm túc về việc không để Triều Tiên sở hữu ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể đe dọa tới lục địa Mỹ. Trong khi đó, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Frank Jannuzi cho rằng ông Trump sẽ không thay đổi được chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, với lập luận Bình Nhưỡng từ lâu đã bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, Bộ trưởng Han còn báo cáo rằng quân đội sẽ lập một đơn vị đặc nhiệm với sứ mệnh tiêu diệt hoặc làm tê liệt dàn lãnh đạo thời chiến của Triều Tiên trong năm nay, sớm hơn kế hoạch ban đầu 2 năm.
Hồi tháng 3.2016, thủy quân lục chiến Hàn Quốc đã lập đội đặc nhiệm, gồm 3.000 binh sĩ, luôn ở trong tình trạng sẵn sàng cho việc triển khai tới mọi khu vực trên bán đảo Triều Tiên trong vòng 24 giờ, với nhiệm vụ phá hủy các cơ sở quân sự chủ chốt của miền Bắc trong trường hợp xảy ra bất ổn.
3 lựa chọn của Mỹ
Phía Hàn Quốc ráo riết áp dụng những biện pháp mới sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố trong ngày đầu năm mới rằng Bình Nhưỡng sắp thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn đầu đạn hạt nhân tới Mỹ. Đáp lại, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook ngày 4.1 tuyên bố Washington tự tin về khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình cũng như việc bảo vệ các đồng minh và nước Mỹ, theo AFP.
Trước tình trạng Triều Tiên phát triển tên lửa có thể tấn công Mỹ và các nước đồng minh, Washington buộc phải củng cố khả năng chống tên lửa ở khu vực. Chiến lược này chủ yếu dựa trên hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, radar TPY-2 và Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Hồi tháng 11.2016, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks cho hay THAAD sẽ được lắp đặt ở Hàn Quốc trong khoảng 8 -10 tháng. Tuy nhiên phát ngôn viên Cook từ chối bình luận về việc liệu Mỹ có chuẩn bị kịch bản hành động quân sự nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hay chưa, theo AFP.

tin liên quan

Tên lửa của Triều Tiên có ‘ám ảnh’ ông Trump?
Triều Tiên nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân vươn tới Mỹ sẽ là thách thức lớn về chính sách ngoại giao và “nỗi ám ảnh” đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Một số quan chức Mỹ mới đây tiết lộ với Reuters rằng nếu được lệnh, quân đội nước này có 3 lựa chọn để ứng phó một đợt phóng tên lửa ở Triều Tiên: tấn công phủ đầu trước khi nó được phóng, đánh chặn lúc bay, hoặc không can thiệp. Trong đó, một quan chức cảnh báo hành động phủ đầu ẩn chứa nhiều rủi ro, như tấn công sai mục tiêu hoặc Triều Tiên sẽ trả đũa các đồng minh trong khu vực.
Chuyên gia Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) cũng cho rằng phá hủy chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là việc làm đầy mạo hiểm. Trước hết, nhiệm vụ này đòi hỏi một chiến dịch quân sự lớn trong thời gian đáng kể. Khó khăn thứ hai là những vị trí phóng tên lửa, thử hạt nhân quan trọng của Triều Tiên nằm ở nhiều khu vực khác nhau. “Có nhiều đường hầm dưới bãi thử hạt nhân. Và một ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa - NV) có thể được phóng từ mọi vị trí của quốc gia này vì nó có tính di động”, chuyên gia Lewis nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.