(TNO) Mỹ vừa hoãn kế hoạch phóng vệ tinh quan sát khí tượng không gian DSCOVR vì phát sinh vấn đề kỹ thuật trong hệ thống radar theo dõi của không quân Mỹ ở bang Florida, đông nam Mỹ, theo NBC News.
Tên lửa đẩy Falcon 9 mang vệ tinh DSCOVR tại căn cứ không quân ở Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ - Ảnh: Reuters |
DSCOVR được đưa lên không gian với nhiệm vụ cảnh báo sớm những nguy cơ từ bão mặt trời. Vệ tinh bị hoãn phóng vào hôm 8.2 và sớm nhất cũng đến khoảng 18 giờ ngày 9.2 ở Mỹ (tức 6 giờ sáng 10.2 ở Việt Nam) mới có thể tiếp tục. Thời điểm cho lần phóng tiếp theo sẽ được thông báo sau khi các chuyên gia tìm ra nguyên nhân, theo NBC News.
Bão mặt trời có ảnh hưởng rất lớn đến Trái đất. Các dòng hạt mang điện tích được giải phóng từ cơn bão có thể phá vỡ mạng lưới vệ tinh không gian, làm tê liệt các thiết bị vô tuyến và lưới điện trên mặt đất. Chúng còn làm tăng cường độ bức xạ, gây nguy hiểm cho các phi hành gia và hành khách trên máy bay, theo Reuters.
Radar theo dõi có vai trò quan trọng trong những lần phóng vệ tinh không gian. Nếu radar phát hiện tên lửa mang vệ tinh bay chệch khỏi đường bay an toàn thì nhiều khả năng nó sẽ bị phá hủy. DSCOVR do công ty công nghệ thám hiểm không gian tư nhân SpaceX của Mỹ chế tạo, được phóng từ căn cứ không quân Cape Canaveral ở bang Florida.
Kế hoạch phóng vệ tinh quan sát khí tượng lần đầu tiên được cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore đề xuất vào năm 1998. Vệ tinh sẽ có nhiệm vụ quan sát Trái đất từ khoảng cách hơn 1,6 triệu km ngoài không gian, kinh phí cho kế hoạch là 340 triệu USD.
Kế hoạch này lúc đó đã vấp phải sự phản đối từ quốc hội Mỹ và kết quả là vệ tinh được đưa vào kho cất giữ. Tuy nhiên những năm gần đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và Không quân Mỹ đã sử dụng lại DSCOVR cho nhiệm vụ cảnh báo sớm những nguy cơ từ bão mặt trời.
Bình luận (0)