Mỹ hồi sinh sân bay chiến lược ở Thái Bình Dương

Khánh An
Khánh An
17/09/2024 20:58 GMT+7

Một sân bay trên hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương từng đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc Thế chiến 2 đang được Không quân Mỹ cải tạo.

Mỹ hồi sinh sân bay chiến lược ở Thái Bình Dương- Ảnh 1.

Máy bay vận tải KC-130J của Thủy quân Lục chiến Mỹ hạ cánh tại sân bay North Field hồi năm 2012, trở thành máy bay đầu tiên sử dụng sân bay này kể từ năm 1947

ẢNH: Thủy quân Lục chiến Mỹ

Tạp chí Newsweek ngày 17.9 đưa tin Không quân Mỹ đang cải tạo lại một sân bay trên đảo Tinian, hòn đảo rộng khoảng 103 km2 và là một trong 3 đảo chính thuộc quần đảo Bắc Mariana.

Quần đảo này gồm chuỗi đảo nhỏ nằm thưa thớt ở Tây Thái Bình Dương và là tiền tiêu cực tây của Mỹ, cùng với trung tâm quân sự lớn là đảo Guam khoảng 160 km về phía nam.

Sáng kiến răn đe

Theo Sáng kiến Răn đe ở Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc, 3 dự án sẽ bổ sung các hoạt động sân bay cho đảo Tinian để tiếp liệu, cất cánh, hạ cánh và đáp máy bay, tất cả nhằm hỗ trợ các hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn.

Vào tháng 4, Không quân Mỹ cho biết các nhân sự chịu trách nhiệm cải tạo một sân bay ở đảo Tinian đã khôi phục hơn 1,8 triệu m2 mặt đường bị xuống cấp. Việc dọn sạch diện tích lớn rừng nhiệt đới bao phủ sân bay đã bắt đầu vào tháng 1 và tạo điều kiện cho các cuộc hạ cánh khi tập trận trong khu vực.

Chưa rõ ngày hoàn thành. Trong năm nay, Fluor Corp., một công ty kỹ thuật có trụ sở tại Irving (Texas, Mỹ) cho biết họ đã được trao hợp đồng trị giá 409 triệu USD cho hạng mục "hỗ trợ mặt đường và giao thông" tại sân bay trên đảo, dự kiến hoàn thành trong 5 năm.

Đánh giá của Newsweek về hình ảnh được chụp trong năm qua bởi vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy sân bay đang nổi lên trở lại trên bề mặt đảo Tinian, với các đường băng và đường lăn bánh được dọn sạch cỏ dại. Bốn đường băng song song có thể nhìn thấy trong các bức ảnh chụp trong tháng này.

Người phát ngôn của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương Keith Peden xác nhận về tiến độ tại sân bay. Theo đó, sân bay được nâng cấp và mở rộng cùng các cơ sở xung quanh sẽ hỗ trợ nhiều loại máy bay hơn, cho phép không quân "triển khai và duy trì lực lượng nhanh chóng trong nhiều môi trường khác nhau".

Đại sứ Trung Quốc nêu 4 lằn ranh đỏ trong quan hệ Mỹ-Trung

Hồi sinh giá trị chiến lược

Đảo Tinian được biết đến vì giá trị chiến lược của nó trong chiến tranh. Do gần Tokyo (Nhật Bản) với khoảng cách khoảng 2.410 km, sau này nó trở thành căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom vào đất liền Nhật.

Hòn đảo này có khoảng cách tương tự với Trung Quốc và các điểm nóng khác ở châu Á.

Sau khi quân Đồng minh chiếm được Tinian năm 1944, Hải quân Mỹ lập tức bắt đầu xây dựng căn cứ không quân lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, xây dựng trên các đường băng sẵn có, vốn dành cho các máy bay chiến đấu nhỏ hơn của Nhật.

Riêng sân bay North Field có 4 đường băng và bãi đáp hỗ trợ tới 265 máy bay ném bom B-29 Superfortress. Vào tháng 8.1945, North Field là nơi 2 máy bay ném bom của Mỹ cất cánh, thả bom nguyên tử xuống Nhật.

Hai sân bay trên đảo có số phận khác nhau sau cuộc chiến. Sân bay West Field với 2 đường băng song song tại phía tây nam đảo đã trở thành Sân bay Quốc tế Tinian ngày nay. North Field trở thành dấu ấn lịch sử, nhưng giờ đây đang được hồi sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.