Mỹ huấn luyện phóng tên lửa gần Biển Đông để 'nắn gân' Trung Quốc?

Văn Khoa
Văn Khoa
26/03/2020 06:00 GMT+7

Giới chuyên gia quân sự cho rằng thông qua cuộc phóng tên lửa hiếm thấy vừa qua ở biển Philippines, gần Biển Đông, Mỹ muốn gửi thông điệp cảnh báo tới Trung Quốc .

Cách đây vài ngày, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đăng trên website 2 bức ảnh chụp ngày 19.3 với chú thích tuần dương hạm USS Shiloh phóng tên lửa đối không SM2 (có tầm bắn gần 170 km) trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Philippines, gần biển Đông. Ngoài ra, Hạm đội 7 đăng trên Facebook ảnh chụp ngày 19.3, với chú thích khu trục hạm USS Barry phóng tên lửa trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển này.

Khu trục hạm USS Barry (trái) phóng tên lửa trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Philippines

Hạm đội 7

Chuyên gia quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh nhận định cuộc tập trận như trên của Mỹ là không phổ biến và “có thể được xem là cảnh báo đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)” theo tờ South China Morning Post (SCMP). “Hải quân Mỹ lo lắng về những tên lửa mà Trung Quốc có thể dùng để đạt lợi thế trong một cuộc xung đột giữa hai bên ở khu vực. Hạm đội 7 muốn cảnh báo với Bắc Kinh rằng hạm đội này có thể đánh chặn tên lửa từ Trung Quốc”, ông Châu bình luận.
 Một nhà phân tích quân sự khác ở Bắc Kinh, Lý Kiệt, cũng đồng ý rằng cuộc phóng tên lửa nói trên là nhằm gửi một thông điệp tới Trung Quốc. Ông Lý nhận định: “Hải quân Mỹ muốn nói với Trung Quốc rằng họ có thể đối phó tên lửa tiên tiến của Trung Quốc”.
Trung Quốc đã phát triển 2 loại tên lửa có thể gây ra mối đe dọa lớn cho quân đội Mỹ ở khu vực, gồm DF-21D, còn được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, và DF-26, theo SCMP.

[VIDEO] Trung Quốc có thực sự "vượt mặt" Mỹ trong cuộc chạy đua tên lửa?

Với tầm bắn ước tính hơn 1.500 km, giới chuyên gia cho rằng DF-21D được phát triển nhằm ngăn chặn tàu quân sự Mỹ tiếp cận những khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Còn DF-26 có tầm bắn khoảng 4.000 km, đủ để chạm tới căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam. Trung Quốc có thể đã đưa vào họat động một trong hai loại tên lửa này hồi tháng 6.2019, khi Lực lượng tên lửa PLA phóng thử tên lửa ở Biển Đông, theo SCMP dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc.
Cũng theo SCMP, khu trục hạm USS Barry đã trang bị lại với hệ thống tác chiến Aegis tối tân cách đây 2 năm, giúp tàu này có khả năng bảo vệ các căn cứ ở Guam và chiến hạm Mỹ từ DF-21D và DF-26. Chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) Swee Lean Collin Koh dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục nâng cấp quân sự và phóng tên lửa khi PLA đang cố thu hẹp khoảng cách sức mạnh quân sự với quân đội Mỹ.

Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc

AFP

“Với việc Mỹ chuyển tập trung phòng thủ vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nghĩ về mối đe dọa từ PLA, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu hải quân Mỹ tiến hành thêm các cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm kiểm chứng các khả năng của hạm đội chống lại sức mạnh tên lửa Trung Quốc”, ông Koh cho hay, đồng thời nhận định biển Philippines sẽ là một chiến trường quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào giữa Mỹ và Trung Quốc. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.