Mỹ hủy vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để giảm căng thẳng với Nga

02/04/2022 08:26 GMT+7

Không quân Mỹ ngày 1.4 thông báo quân đội Mỹ đã hủy một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III, vốn bị hoãn lại trước đó, nhằm nỗ lực giảm căng thẳng hạt nhân với Nga trong xung đột ở Ukraine .

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III trong cuộc thử nghiệm tại Căn cứ Không quân Vandenberg, California, Mỹ hồi năm 2017

reuters

Reuters ngày 1.4 dẫn lại thông báo từ không quân Mỹ cho biết họ đã hủy một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III để giảm căng thẳng hạt nhân với Nga. Vụ thử này từng bị hoãn hồi đầu tháng 3.

Người phát ngôn không quân Mỹ Ann Stefanek cho biết vụ thử tên lửa LGM-30G Minuteman III bị hủy bỏ là vì những lý do tương tự như đã đưa ra hồi đầu tháng 3.

Cuộc thử nghiệm Minuteman III tiếp theo dự kiến ​​diễn ra vào cuối năm nay.

“Không quân tin tưởng vào sự sẵn sàng của các lực lượng chiến lược của Mỹ”, bà Stefanek nói thêm.

Trước đó, Lầu Năm Góc ngày 2.3 đã thông báo hoãn vụ thử Minuteman III khi Nga tuyên bố đang đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Vào thời điểm đó, Washington nói điều quan trọng là cả Mỹ và Nga "phải chú ý đến rủi ro tính toán sai lầm và thực hiện các bước để giảm những rủi ro đó". Lầu Năm Góc cũng công khai tuyên bố rằng họ chỉ hoãn vụ thử nghiệm "một chút" và sẽ không hủy bỏ nó.

Có căng thẳng trên địa cầu, Mỹ và Nga vẫn hòa thuận trong không gian

Việc thay đổi lịch trình thử nghiệm ICBM của Mỹ đã gây tranh cãi nội bộ. Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Inhofe, thành viên cấp cao trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện, vào tháng 3 đã bày tỏ sự thất vọng khi vụ thử Minuteman III bị hoãn. Ông Inhofe cho rằng cuộc thử nghiệm này rất quan trọng trong việc đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ vẫn hiệu quả.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) James Martin, nói tác động của việc hủy bỏ vụ thử tên lửa không lớn đến như vậy.

Tên lửa Minuteman III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và là một phần quan trọng trong kho vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ. Tên lửa này có tầm hoạt động hơn 9.660 km và có thể di chuyển với tốc độ khoảng 24.000 km/h.

Tên lửa này được phân bổ trong các hầm chứa dưới lòng đất và do kíp phóng vận hành.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 2 nói các lực lượng hạt nhân của Nga cần được đặt trong tình trạng báo động cao, làm dấy lên lo ngại rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Tuy vậy, các quan chức Mỹ cho biết cho đến nay họ không thấy có lý do gì để thay đổi mức cảnh báo hạt nhân của Washington.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.