Tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF), một đơn vị của Không quân Mỹ đồng thời cũng là bộ phận cấu thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, tiết lộ Không quân Mỹ đang đẩy mạnh việc xây dựng tại sân bay Bắc Tinian và sân bay quốc tế Tinian, theo tường thuật của Nikkei Asia ngày 17.12.
Hai sân bay này nằm trên đảo Tinian, một trong ba đảo chính làm nên Quần đảo Bắc Mariana, lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ nằm ở góc tây bắc của Thái Bình Dương. Về mặt địa lý, các đảo này cùng với đảo Guam (của Mỹ) ở phía nam hợp thành quần đảo Mariana.
Sân bay Bắc Tinian từng là một trong những căn cứ không quân lớn nhất của quân đội Mỹ, và là nơi phi đội máy bay ném bom B-29 lớn nhất của Mỹ trong Thế chiến 2 đồn trú. Đây cũng chính điểm khởi hành của hai máy bay Enola Gay và Bockscar (đều là B-29) mang theo bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Phi trường này đã bị bỏ hoang sau đó, trong khi một sân bay quân sự khác ở phía tây hòn đảo giờ đây trở thành sân bay quốc tế Tinian.
"Nếu để ý trong vài tháng tới, bạn sẽ thấy những tiến triển đáng kể, đặc biệt là ở Bắc Tinian", tướng Wilsbach cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia tuần này.
Sân bay Bắc Tinian "có mặt đường rộng rãi bên dưới khu rừng rậm rạp. Từ nay đến mùa hè, chúng tôi sẽ dọn sạch khu rừng đó", ông Wilsbach cho biết và nói rằng đây sẽ là một cơ sở "rộng lớn" sau khi việc xây dựng hoàn tất.
Vị tướng từ chối tiết lộ thời điểm sân bay này dự kiến đi vào hoạt động.
Đảo Tinian nằm cách đảo Guam khoảng 200 km. Mục đích của việc hồi sinh tiền đồn này là thúc đẩy chiến lược "Triển khai chiến đấu linh hoạt" của Không quân Mỹ. Trọng tâm của chiến lược này là phân bổ máy bay đến càng nhiều địa điểm ở Tây Thái Bình Dương càng tốt để ứng phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa của kẻ thù nếu khủng hoảng xảy ra. Đây được xem là một thay đổi lớn trong chiến lược của quân đội Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Quân đội Mỹ năm nay đã giành được quyền tiếp cận các địa điểm ở Philippines và Papua New Guinea, trong khi Washington và Canberra đồng ý nâng cấp cơ sở hạ tầng tại hai căn cứ không quân ở miền bắc nước Úc.
Để thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, Mỹ cũng sẽ tiếp tục củng cố động lực hợp tác quốc phòng ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc, theo tướng Wilsbach. "Cách đây không lâu, hoạt động phối hợp ba bên không còn là vấn đề nữa", vị sĩ quan cho biết.
Tướng Wilsbach cũng lưu ý rằng hợp tác ba bên với Nhật Bản và Úc "thực sự tích cực"." Tại hội thảo tư lệnh không quân Thái Bình Dương ở Hawaii (Mỹ) vào tháng trước, ông đã gặp người đồng cấp của hai nước để thảo luận về hợp tác trong tương lai "theo nhiều cách".
Bình luận (0)