Hôm 20.8, một bài báo của Financial Times dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Mỹ không sản xuất đủ số lượng tên lửa đạn đạo chiến thuật theo yêu cầu của Ukraine để tạo ra sự khác biệt đáng kể trên chiến trường.
Ngoài ra, theo Financial Times, một vấn đề khác mà Mỹ phải cân nhắc là nguy cơ động thái cung cấp loại tên lửa trên có thể khiến xung đột leo thang với Nga hơn nữa.
Ông Samuel Charap, một nhà khoa học chính trị cấp cao tại viện nghiên cứu chính sách Rand Corporation, cho rằng việc Ukraine quyết tâm sở hữu các tên lửa tầm xa là không đúng chỗ. Vị chuyên gia này nhấn mạnh tên lửa đạn đạo không phải là "cây đũa phép", chẳng thể giúp Ukraine vượt qua các bãi mìn và tuyến phòng thủ của Nga.
Một số quan chức Mỹ cảnh báo rằng viện trợ quân sự của Mỹ có thể giảm bớt khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sắp diễn ra. Bài báo lưu ý khả năng tái đắc cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump có thể làm tăng thêm sự khó đoán, do ông đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ngay khi nhậm chức.
Trong khi đó, tại Đức một cuộc khảo sát do tổ chức ARD-DeutschlandTrend công bố tuần trước cho thấy 52% số người được hỏi kiên quyết phản đối việc chuyển giao tên lửa tầm xa cho Ukraine, còn 36% ủng hộ.
Cho đến nay, các quan chức hàng đầu của Đức, bao gồm cả Thủ tướng Olaf Scholz, tỏ ra do dự trong việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 500 km.
Hồi tháng 5, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp loại vũ khí này cho Kyiv. Ukraine đã nhận được tên lửa hành trình Storm Shadow với tầm bắn hơn 250 km.
Tháng trước, Pháp cũng đã theo chân Anh, cung cấp tên lửa Scalp.
Bình luận (0)