(TNO) Mỹ dự định sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua quan hệ đồng minh hơn là thiết lập các căn cứ tại đây, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.
|
Một chiến lược mới tập trung vào châu Á của Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc nước này sẽ điều thêm nhiều binh sĩ và các vũ khí tối tân đến khu vực trong thập niên sắp tới, AFP dẫn lời Bộ trưởng Panetta trong một buổi họp báo trước chuyến đi dự Diễn đàn An ninh châu Á mang tên Đối thoại Shangri-la tại Singapore hôm 31.5.
Tuy nhiên, kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này của Lầu Năm Góc sẽ được tiến hành dựa trên sự cộng tác với các đồng minh mà không cần phải xây dựng các căn cứ quân sự, ông Panetta phát biểu.
Theo đó, thay vì thiết lập các căn cứ lớn, quân đội Mỹ - bao gồm lực lượng hải quân, không quân và bộ binh - sẽ được các nước đồng minh cho phép có mặt tại các bến cảng, sân bay và các địa điểm khác tại các nước này để tiến hành các nhiệm vụ ngắn hạn, cùng tham gia huấn luyện và tập trận.
Trong bối cảnh Washington đang chật vật tìm cách giảm sức ép lên chi tiêu ngân sách, thì chiến lược mới này rõ ràng có chi phí rẻ hơn so với việc xây dựng các căn cứ quân sự, đồng thời cũng ít làm phát sinh các ý kiến phản đối tại các nước đồng minh.
Bộ trưởng Panetta cũng cho biết Mỹ đang tiến hàng thử nghiệm chiến lược mới này thông qua đợt điều động 2.500 thủy quân lục chiến đến khu vực phía Bắc nước Úc.
“Chúng tôi đang thử nghiệm chiến lược mới này ở Úc. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cho một sách lược giống như vậy tại Philippines và các nơi khác”, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết. Ông cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 5-10 năm tới.
Hoàng Uy
>> Số lượng đại biểu kỷ lục tham dự Đối thoại Shangri-la 2012
>> Vì nền hòa bình, hợp tác của khu vực
>> Mỹ cân nhắc UNCLOS trước sóng gió biển Đông
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: An ninh châu Á là tương lai của nước Mỹ
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Việt Nam
>> Mỹ cam kết hiện diện lâu dài tại châu Á
Bình luận (0)