|
Hôm 3.12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã có buổi họp xung quanh tình hình Nga – Ukraine và các vấn đề khí đốt, báo The Moscow Times của Nga cho biết. Theo đó, một bản dự thảo về việc thành lập mặt trận năng lượng và xử phạt Nga đã được đưa ra bàn bạc, trước khi lệnh trừng phạt Moscow hết hạn vào năm sau.
Kìm hãm thế mạnh của Nga
Trong buổi họp tại Brussels (Bỉ), ông John Kerry và Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz đã cùng nhìn lại những gì xảy ra sau một năm mà Mỹ cố gắng kêu gọi trừng phạt Nga. Mỹ và các nước EU theo đó đã nói về cách hành xử tiếp theo dành cho điện Kremlin, trong bối cảnh vấn đề khí đốt vẫn nan giải.
Phần việc được bàn đến nhiều đang nằm ở Ukraine. Nước này vừa thành lập chính phủ mới với sự ủng hộ của Mỹ và EU. Tuy nhiên xung quanh còn khá nhiều khó khăn, mà việc bị cắt giảm khí đốt là vấn đề quan trọng.
Cuộc khủng hoảng khí đốt ở Kiev bắt nguồn từ việc tranh chấp bán đảo Crimea với Nga năm nay. Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine từ tháng 6, khi các hóa đơn thanh toán chưa được phía Kiev giải quyết.
Vấn đề chắc chắn không phải chỉ dừng lại ở Ukraine. Như đã biết, Nga là thị trường xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới. Đây cũng chính là vũ khí mạnh mẽ nhất của họ trước các mối đe dọa cô lập từ nhiều nước châu Âu.
|
Chính vì vậy, The Moscow Times khẳng định EU đang “tìm cách vô hiệu hóa điểm yếu lớn nhất của họ - Nga”. Giải pháp lúc này là tìm một nhà cung cấp khí đốt khác, và đáp án là Mỹ, theo buổi họp ở Brussels.
Nếu giải quyết xong vấn đề này, xem như Nga sẽ không còn đáng ngại. Có điều đó là việc không hề dễ dàng. Theo The Moscow Times, EU đã chủ động làm yên chuyện Crimea, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nguồn cung trong giai đoạn cao điểm của mùa đông.
Thế khó của Mỹ
Mỹ đã nghiên cứu và xuất khẩu khí đốt dạng lỏng (LNG) sang châu Âu và châu Á, với mức giá thấp hơn Nga, theo AP. Tuy nhiên, đây chưa phải là lúc Mỹ có thể làm chủ tình hình. Ngược lại, họ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Thứ nhất trong buổi họp tại Brussels kể trên, The Moscow Times nói rằng một số nước châu Âu khi tham gia trừng phạt Nga, thậm chí còn “sợ làm tổn thương chính mình hơn là làm tổn thương Moscow”.
Cụ thể tờ này dẫn thông tin Mỹ vẫn cung cấp một lượng khí đốt cho châu Âu, nhưng được hiểu rằng sẽ bán cho châu Á với giá rẻ hơn. Đơn giản các doanh nghiệp Mỹ vẫn hướng đến lợi nhuận, do đó họ sẽ xuôi theo châu Á, nơi sẵn sàng trả giá cao hơn châu Âu.
|
Dự thảo của ngày 3.12 do đó chào đón các khách hàng tiềm năng trong thị trường xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang châu Âu để đa dạng hóa các nguồn cung, đồng thời đàm phán thêm về một thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương. Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ EU và Ukraine kế hoạch cải cách năng lượng.
Trong bối cảnh muốn trừng phạt Nga, Mỹ đương nhiên phải ngầm hiểu rằng họ cần phải đối xử với những đồng minh châu Âu sao cho thỏa đáng. Và như vậy, khí đốt là một phần “quà” Mỹ phải cân nhắc dành cho châu Âu, song ông Obama phải làm cách nào đó thuyết phục doanh nghiệp trong nước chịu đồng lòng với chính phủ.
Thứ hai, thị trường châu Á của Mỹ cũng vấp phải khó khăn lớn. Trong giai đoạn tháng 11, ở Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Nga đã ký với Trung Quốc một thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỉ USD.
Trong mối quan hệ vừa hợp tác vừa ràng buộc và cạnh tranh của Mỹ - Nga – Trung, xem như Mỹ đã bất lợi trong lĩnh vực khí đốt. Trong khi đó, kế hoạch thúc đẩy Khu vực Mậu dịch tự do (TPP) của Mỹ nhằm tạo ảnh hưởng, tạo thị trường vào châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa có kết quả.
Nhật Đăng
>> Nga hủy dự án cung cấp khí đốt cho châu Âu
>> Tập đoàn dầu khí Nga muốn khai thác khí đốt Việt Nam
>> Ukraine trả 1,45 tỉ USD tiền khí đốt cho Nga
>> Nga tái cung cấp khí đốt cho Ukraine
>> Nga đề nghị xây đường ống khí đốt sang Nhật
Bình luận (0)