Cụ thể, Mỹ đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết khuyến nghị với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 thành viên rằng "Nhà nước Palestine nên được kết nạp trở thành thành viên" của Liên Hiệp Quốc. Anh và Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng, trong khi 12 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu đồng ý.
"Mỹ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước. Cuộc bỏ phiếu này không phản ánh sự phản đối việc thành lập nhà nước Palestine độc lập mà thay vào đó là sự thừa nhận rằng việc đó sẽ chỉ đạt được từ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên", Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood nhấn mạnh tại Hội đồng Bảo an. Ngoại trưởng Israel Katz của Israel đã ca ngợi Mỹ về việc phủ quyết dự thảo nghị quyết.
Người Gaza tuyệt vọng gánh tổn thất xung đột
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã lên án quyền phủ quyết của Mỹ trong một tuyên bố là "không công bằng, phi đạo đức và phi lý". Còn Đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc Riyad Mansour nói với Hội đồng Bảo an sau cuộc bỏ phiếu: "Việc nghị quyết này không được thông qua sẽ không làm mất đi ý chí của chúng tôi và sẽ không đánh bại quyết tâm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không dừng lại nỗ lực của mình".
Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, việc kết nạp thành viên mới sẽ do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định, theo kiến nghị từ Hội đồng Bảo an có 15 thành viên. Hội đồng Bảo an trước tiên sẽ đánh giá bên đăng ký có đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc hay không. Sau đó, đơn đăng ký có thể bị gác lại hoặc đưa ra bỏ phiếu, và sẽ được thông qua nếu nhận được 9 phiếu ủng hộ và không thành viên thường trực nào phủ quyết, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Nếu được Hội đồng Bảo an thông qua, Palestine vẫn cần nhận được sự ủng hộ của hai phần ba trong số 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để trở thành thành viên chính thức.
Theo Tân Hoa xã, vào năm 1974, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết 3237, công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là quan sát viên. Năm 1988, Liên Hiệp Quốc sử dụng tên gọi Palestine thay cho PLO. Đến tháng 11.2012, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã trao quy chế nhà nước quan sát viên phi thành viên cho Palestine.
Bình luận (0)