Mỹ ngăn TSMC, Intel bổ sung xưởng chip tiên tiến ở Trung Quốc

03/08/2022 08:03 GMT+7

Các công ty nhận được tài trợ của Mỹ trong việc sản xuất chip theo đạo luật mới nhiều khả năng sẽ phải kiềm chế sự bành trướng ở Trung Quốc.

Đạo luật Chips vừa được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần trước không chỉ bao gồm gói trợ cấp lịch sử 52 tỉ USD nhằm tăng cường khả năng sản xuất chip trong nước, mà còn có một cảnh báo quan trọng khác, đó là các công ty nhận được tài trợ phải hứa không tăng sản lượng chip tiên tiến của họ ở Trung Quốc.

Điều kiện trên chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng vốn có giữa Washington và Bắc Kinh. Ngoài ra, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Intel Corp và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), hai nhà sản xuất chip hàng đầu đã cố gắng xây dựng doanh nghiệp ở đại lục. TSMC sẽ không thể nâng cấp hoặc mở rộng đáng kể cơ sở hiện có, làm mất đi một số cơ hội phát triển tại thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới.

Cả Intel và TSMC đều đã cố gắng xây dựng doanh nghiệp kinh doanh ở đại lục

chụp màn hình

Cụ thể, đạo luật Chips và Khoa học cấm các công ty nhận được tài trợ của liên bang mở rộng vật chất sản xuất chip tiên tiến hơn 28 nanomet (nm) ở Trung Quốc, hoặc tại một quốc gia đáng lo ngại như Nga, trong 10 năm. Dù chip 28 nm đi sau vài thế hệ so với các loại chip tiên tiến nhất hiện nay, nhưng chúng vẫn được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm ô tô và điện thoại thông minh. Lệnh cấm còn bao gồm cả chip logic và chip nhớ. Nếu công ty nhận trợ cấp vi phạm biện pháp hạn chế và không khắc phục được việc vi phạm, thì có thể sẽ phải trả lại đầy đủ các khoản trợ cấp của liên bang. Nhà Trắng đã lên tiếng ủng hộ biện pháp này.

Theo Bloomberg, Intel đã vận động hành lang mạnh mẽ để chống lại việc hạn chế đầu tư từ phía chính phủ Mỹ vào lĩnh vực chip của Trung Quốc. Cuối năm 2021, Intel muốn tăng sản lượng ở Trung Quốc nhưng kế hoạch đó bị Nhà Trắng từ chối. Intel đã bán nhà máy wafer ở Đại Liên cho SK Hynix của Hàn Quốc, hiện công ty vẫn còn các cơ sở đóng gói và thử nghiệm chip tại đại lục.

“Quy định pháp luật phức tạp và quan trọng này đòi hỏi sự đóng góp của tất cả các bên liên quan. Intel và nhiều công ty trong ngành đã hợp tác với hiệp hội thương mại để cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, nhằm đảm bảo chúng tôi có nền tảng luật pháp tốt nhất có thể và không vô tình làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của các công ty nhận được hỗ trợ từ quỹ Chips”, phát ngôn viên của Intel Nancy Sanchez nói.

Hiện nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) có thể tạo ra loại chip tiên tiến hơn 28 nm, nhưng công nghệ của họ vẫn kém TSMC ít nhất 6 năm. SMIC đã và đang đối mặt với những thách thức gần như không thể vượt qua trong việc bắt kịp TSMC, đặc biệt sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Doanld Trump gây sức ép với chính phủ Hà Lan để ngăn ASML bán các hệ thống in thạch bản cực tím tiên tiến nhất cho Trung Quốc. Ngành công nghiệp chip Trung Quốc cũng gặp phải một bước thụt lùi trong những ngày gần đây, khi Washington âm thầm thắt chặt quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với thiết bị chip tương đối tiên tiến.

Được biết, một phần lớn khoản trợ cấp liên bang dự kiến ​​sẽ được chuyển cho Intel, TSMC và Samsung Electronics, cả ba đều đang xây dựng cơ sở sản xuất chip mới trị giá hàng chục tỉ USD ở Mỹ. Trong số những công ty nhận tài trợ tiềm năng, chỉ có TSMC đang sản xuất chip tương đối tiên tiến ở Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Cơ sở của hãng chip Đài Loan đặt ở thành phố Nam Kinh, sản xuất chip 28 nm và 16 nm, gần tương đương với sản phẩm phức tạp nhất mà SMIC có thể chế tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.