Trong thông báo hôm 14.2, Nhà Trắng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc cập nhật những quy luật toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức kinh tế, như những thách thức từ Trung Quốc” sẽ nằm trong số những vấn đề chính để thảo luận, cùng với việc ứng phó quốc tế về đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế thế giới, theo tờ South China Morning Post vào tối 17.2.
Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị G7 kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20.1. Các nhà lãnh đạo G7 gặp lần gần nhất vào tháng 4.2020. Cuộc gặp lần này sẽ được tổ chức trực tuyến do Covid-19.
Khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh G7 và chương trình nghị sự của sự kiện này, Bắc Kinh tuyên bố phản đối “chính trị mang tính bè phái” và tình trạng đối đầu về ý thức hệ. “Chúng tôi phản đối chính trị theo nhóm dựa trên sự phân chia ý thức hệ, lập bè phái có chọn lọc và áp đặt ý chí của một nhóm thiểu số các nước lên xã hội quốc tế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh hôm 16.2, theo South China Morning Post.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh tất cả các cuộc gặp quốc tế nên dẫn tới chủ nghĩa đa phương và những vấn đề toàn cầu nên được quản lý chung bởi nhiều nước khác nhau.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc gần đây còn có mối quan hệ hục hặc với nhiều nước khác trong G7, trong đó có Canada và Anh, nước giữ chức chủ tịch luân phiên G7 trong năm nay và dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh mặt đối mặt của nhóm vào tháng 6.
Bình luận (0)