Đài CNN ngày 10.8 đưa tin Bộ Tư lệnh không gian Mỹ đã xác nhận, sau khi nhiều tổ chức theo dõi mảnh vỡ không gian cho rằng một trong những tên lửa Trường Chinh 6A của Trung Quốc đã vỡ thành hàng trăm mảnh trên quỹ đạo tầm thấp của trái đất.
Tên lửa được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên (Sơn Tây) hôm 6.8 để đưa 18 vệ tinh G60 vào quỹ đạo, đánh dấu lần triển khai đầu tiên cho hệ thống vệ tinh Thousand Sails của Công ty Công nghệ vệ tinh Shanghai Spacecom (SSST).
Dự kiến hệ thống này sẽ dần dần có đến 1.296 vệ tinh và còn mở rộng đến khoảng 14.000 vệ tinh để cạnh tranh với hệ thống vệ tinh Starlink của Hãng SpaceX (Mỹ).
SSST chưa lập tức phản hồi đề nghị đưa ra bình luận. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh không gian Mỹ (USSPACECOM) đã xác nhận tên lửa Trung Quốc đã vỡ.
"USSPACECOM chưa quan sát thấy bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào và tiếp tục tiến hành đánh giá liên hợp thường xuyên vì sự an toàn và tính bền vững của lĩnh vực không gian", một phát ngôn viên của USSSPACECOM cho biết và nói thêm rằng lực lượng này tiếp tục theo dõi các mảnh vỡ và cung cấp thông tin cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ.
Theo quan chức Rob Margetta tại NASA, hiện chưa có mối đe dọa nào đối với Trạm Không gian quốc tế (ISS).
Lượng mảnh vỡ được theo dõi đã thay đổi, bắt đầu với hơn 50 mảnh vỡ được Mạng lưới cảm biến toàn cầu của Slingshot Aerospace (Mỹ) theo dõi. Sau đó, USSPACECOM cho biết họ đang theo dõi hơn 300 mảnh vỡ.
Dữ liệu radar từ tổ chức theo dõi LeoLabs (Mỹ) sau đó xác nhận rằng sự việc này đã tạo ra ít nhất 700 mảnh vỡ và còn có khả năng sẽ có hơn 900 mảnh vỡ.
Theo Slingshot Aerospace, tên lửa đã vỡ ra ở độ cao 810 km so với bề mặt trái đất và các mảnh vỡ gây ra mối nguy hiểm đáng kể cho các hệ thống vệ tinh thuộc quỹ đạo thấp của trái đất ở độ cao dưới 800 km.
Một tên lửa Trường Chinh 6A vào năm 2022 cũng bị vỡ trong không gian và tạo ra hàng trăm mảnh vỡ. Sự việc khiến Trung Quốc bị các nước phương Tây và những người ủng hộ sự bền vững của ngành không gian chỉ trích, cho rằng Bắc Kinh nên kiểm soát tốt hơn cách xử lý thân tên lửa đã qua sử dụng, theo Reuters.
Bình luận (0)